Sản xuất và chế biến nông sản là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế, gia tăng cơ cấu nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh các ngành dịch vụ khác phát triển theo. Tại Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản đã và đang tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Kinh doanh hàng nông sản An Hòa, huyện Tam Dương có tổng diện tích 34 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong hơn 10ha chuyên trồng dưa chuột. Hợp tác xã có 30 hộ thành viên. Toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều được Hợp tác xã phân phối đến từng hộ thành viên; đồng thời hướng dẫn qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp giám sát chặt chẽ để sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn. Năm 2020, sản phẩm dưa chuột An Hòa đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm cũng như hiệu quả kinh tế đối với người trồng dưa.
Toàn bộ sản phẩm dưa chuột của các hộ thành viên đều được Hợp tác xã thu mua với giá thành bằng hoặc cao hơn thị trường. Hiện trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã thu mua khoảng 5-6 tấn dưa chuột và cung cấp cho thị trường hơn 1.000 tấn dưa chuột mỗi năm. Sản phẩm dưa chuột của Hợp tác xã được đưa vào hệ thống nhiều siêu thị, doanh nghiệp và bếp ăn của cá khu công nghiệp, nhà hàng, như: hệ thống Go! Miền Bắc, thị trường các tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương..., được khách hàng tin tưởng.
Cam kết tuân thủ chặt chẽ qui trình chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; đảm bảo về chất lượng sản phẩm và được người tiêu dùng tin tưởng, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Kinh doanh hàng nông sản An Hòa đang tích cực liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất dưa chuột sạch liên tục trong năm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Liên kết để sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản đang mở ra một cơ hội mới với người nông dân, thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc tiếp cận và lựa chọn thực phẩm an toàn. Nông sản an toàn cũng là nguồn nguyên liệu đầu vào các doanh nghiệp chế biến sâu về nông sản tiếp tục gia tăng giá trị cho nông sản của tỉnh và trong cả nước.
Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản THD có trụ sở tại huyện Tam Dương đặc biệt chú trọng thực hiện các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến các yêu cầu trong quá trình sản xuất tại xưởng.Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản THD áp dụng sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, đồng thời liên tục đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Mặc dù mới có sản phẩm chào hàng các doanh nghiệp kinh doanh, nhà phân phối trong năm 2021 nhưng các sản phẩm Thạch của Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản THD đã nhanh chóng được khách hàng đón nhận. Trung bình mỗi ngày, Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản THD sản xuất và cung ứng ra thị trường 7 tấn thạch các loại, doanh thu đạt khoảng 40 tỉ đồng/năm. Một trong những yếu tố tạo nên thành công bước đầu của doanh nghiệp trẻ mới tham gia lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm này là Công ty liên tục nghiên cứu và đưa ra những dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.Hương vị phong phú kết hợp cải tiến mẫu mã bao bì, Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản THD đã thể hiện ưu thế cạnh tranh trên thị trường với những sản phẩm cùng loại. Sản phẩm của Công ty đã có mặt ở hệ thống siêu thị GO, Win Mart, Lotte và liên kết với nhiều nhà phân phối trong cả nước. Năm 2024, Doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển rộng khắp ở các thị trường nhỏ lẻ và đặc biệt là hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trên thị trường để tạo lập vị thế luôn là thách thức với các doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản. Thường xuyên đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và tạo sự độc đáo, khác biệt của sản phẩm được coi là lời giải cho bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2024 từ 54 - 55 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư mạnh cho chế biến sâu. Hiện nguồn nông sản phong phú với chất lượng ngày càng được nâng cao, ổn định cùng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản Việt Nam đã thể hiện lợi để cả nước thiết lập những mốc giá trị mới.
Tuyết Minh