Đội ngũ người có uy tín là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là những tấm gương sáng, gương mẫu đi đầu trong thực hiện, hướng dẫn và cùng đồng bào dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Ông Diệp Văn Bế sinh ra và lớn lên ở thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, là một Bí thư chi, Trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Dìu. Ông luôn tận tụy với công việc của thôn, xóm; đồng hành cùng chính quyền địa phương trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với ước mong xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp, tiến bộ, văn minh.
Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm và tranh thủ người có uy tín để cung cấp thông tin, hướng dẫn và đề xuất một số nhiệm vụ cho người có uy tín tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương; kết quả đã làm chuyển biến nhận thức đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh, công tác xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, người có uy tín đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; định hướng cho bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; phát động tham gia nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo…
Phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đi đầu trong hưởng ứng, thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thôn Quảng Cư vinh dự là một trong 3 thôn của huyện Lập Thạch được tỉnh lựa chọn và khởi công xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đâu tiên trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy chính quyền xã đã phát huy hết ưu thế của người có uy tín trong đồng bào thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chung sức, đồng lòng để thực hiện các tiêu chí làng văn hóa kiểu mẫu phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc. Nhận thấy lợi thế của địa phương với những nét đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc sán dìu, xã Quang Sơn quan tâm phát triển du lịch cộng đồng với hệ thống các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng đến nay, trên địa bàn thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn vẫn chưa thể xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng và người dân chưa thật sự nhập cuộc. Nút thắt này đã được tháo gỡ khi cấp ủy, chính quyền và người có uy tín trong đồng bào dân tộc vào cuộc, tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được ý nghĩa từ xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Cùng với đó là phát huy dân chủ, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quang Sơn nói chung, thôn Quảng Cư nói riêng huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Khi lòng dân đã thuận, ý Đảng lòng dân hòa làm một, mọi việc nhất định thành công, nhân dân thôn Quảng Cư với 260 hộ dân với 860 nhân khẩu, trong đó 80% người dân là đồng bào dân tộc sán dìu đã đồng thuận, chung sức xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, hiến đất, góp công thực hiện các tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu. Đặc biệt là luôn có ý thức giữ gìn phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người sán dìu. Riêng thôn Quảng Cư có một câu lạc bộ hát Sọng cô, sinh hoạt thường xuyên, hiệu quả nhất là khi biết thiết chế của làng văn hóa kiểu mẫu đi vào hoạt động sẽ là địa điểm để người dân giao lưu, bảo tồn và lan tỏa những điệu hát Sọng cô ân tình.
Một trong những đặc sắc văn hóa của người Sán Dìu là làm bánh trưng gù. Trong mâm cỗ ngày Tết người Sán Dìu dâng cúng tổ tiên không thể thiếu món bánh trưng gù và không phải ngẫu nhiên người Sán Dìu ở Quang Sơn lại gói chiếc bánh có hình thù như vậy. Người Sán Dìu quan niệm, bánh trưng gù có đẹp, có ngon thì mới nhiều phước lộc, an khang mới đầy nhà.
Cả hệ thống chính trị và Nhân dân huyện Lập Thạch đang chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu nói riêng. Đây là động lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với phát triển kinh tế du lịch, góp phần bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã Quang Sơn nói riêng và huyện Lập Thạch nói chung.
Trong những năm qua, người có uy tín đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn. Người có uy tín luôn có ý thức và nhắc nhở các thế hệ phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tạo cho thế hệ trẻ có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Lê Dũng