Đã hơn 70 năm gắn bó với mảnh đất Hải Lựu, huyện Sông Lô, bà Vũ Thị Khiêm, thôn Đồng Dừa được bà con lối xóm gọi với cái tên vô cùng thân thương “bà Khiêm Cò”. Bởi duyên phận, bởi tình yêu nên bà vẫn luôn dành trọn tâm huyết để gìn giữ cánh rừng và các loài chim trời nơi đây. Đổi bằng nước mắt, mồ hôi, thậm chí là sự nguy hiểm tính mạng để giữ trọn vẹn “linh hồn” cho thiên nhiên và cuộc sống tràn đầy sinh khí cho xóm làng.
Vườn cò có diện tích 15ha, nơi đàn chim làm tổ là 7ha, là một khu đồi còn sót lại của cánh rừng Hải Lựu được gia đình bà Khiêm bảo vệ và quản lý. Người dân địa phương cho biết, từ năm 1958 đàn cò về đây làm tổ nhiều vô kể. Với người dân thôn Đồng Dừa bà Vũ Thị Khiêm được coi như “thần hộ mệnh” cho rừng Cò Hải Lựu. Không có bà, loài chim trời này sẽ bị tận diệt, sát hạ không thương tiếc bởi những kẻ chuyên săn bắt, buôn bán.
Ở khu vườn nhà bà có đến hàng trăm thứ cây, cây nào cây ấy đều to khỏe và rắn chắc. Bởi vậy mà hàng năm, cứ vào mùa sinh nở khoảng độ tháng 3 - 4 âm lịch, bầy cò kéo về đây làm tổ sinh con, ríu ríu suốt cả ngày. Khu vườn của bà Khiêm đã trở thành ngôi nhà ấm áp của loài chim này; ngày càng có nhiều loài cò về đây sinh sống, làm tổ như cò lửa, cò lửa lùn, cò bợ, bồ nông, cò xanh... Với hệ sinh thái đặc biệt này, vườn cò cũng là nơi “nhòm ngó” của nhiều kẻ săn bắt, tận diệt loài chim trời.
Coi những đàn cò là “của trời” mà tạo hóa ban tặng, cô bé Khiêm ngày ấy cùng gia đình đã gìn giữ tận tâm, không bao giờ bắt chúng và tâm niệm phải giữ bằng được báu vật này. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt cướp đi người chồng yêu thương, cô gái Khiêm ngoài 20 tuổi trở thành vợ của liệt sĩ, một mình nuôi con và trải qua bao khó khăn, vất vả bên cánh rừng già. Có những lúc cuộc sống quá khó khăn nhưng bà chưa bao giờ nghĩ đến việc bán đi dù chỉ là 1 con cò. Với bà, đàn cò giống như những đứa cháu của mình, luôn bên cạnh và cần bà chăm sóc.
Câu chuyện bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ của đàn cò của Bà Khiêm không chỉ lan tỏa đến người dân thôn Đồng Dừa mà còn được rất nhiều người biết đến. Trong ngôi nhà cấp 4 đã phai màu thời gian, bà Khiêm kể lại về cuộc đời mình. Nay đã 82 tuổi, 56 năm tuổi Đảng người phụ nữ ấy đã nếm trải biết bao giông tố của cuộc đời.
Để bảo vệ đàn cò, mỗi năm bà Khiêm cùng con cháu trồng thêm nhiều cây cối để làm chỗ cho cò ở và tạo môi trường xanh mát, trong lành. Những cây được gia đình bà trồng chủ yếu là cây lâu năm như: lát, dổi, tre, mít, trám, xoan, trẩu, nhãn… Nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã hỗ trợ làm đường, xây dựng hàng rào nhằm bảo vệ, bảo tồn khu du lịch sinh thái hấp dẫn này. Đồng thời, huyện Sông Lô cũng dành nguồn kinh phí hằng năm chuyển về gia đình để bà trông nom, bảo vệ vườn cò.
Hầu hết, nguồn kinh phí được hỗ trợ, bà Khiêm đã dành dụm để mua và trồng thêm hàng trăm cây mỗi năm để vườn thêm rậm rạp, là nơi an toàn cho đàn chim trở về. Khu vườn của bà Khiêm đã trở thành ngôi nhà ấm áp của loài cò. Cũng có lẽ vì lòng nhân từ của bà đã thay đổi nhận thức cho các thế hệ thanh niên địa phương nên họ đã yêu động vật hơn, cùng ra sức giữ gìn vườn cò quý giá này.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày bà Khiêm vẫn miệt mài trồng cây, gây rừng, xây tổ cho đàn cò. Với những cống hiến của mình trong công tác bảo vệ môi trường, bà Khiêm được UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các bộ,ngành trao tặng nhiều phẩn thưởng xứng đáng như: Bằng khen, Kỷ niệm chương, Kỷ niệm Ngày môi trường Thế giới, Kỷ niệm chương của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Giải thưởng Môi trường năm 2002… Đặc biệt vừa qua bà Khiêm là 1 trong 24 điển hình tiêu biểu toàn quốc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với bà Khiêm đây vừa là một vinh dự, một niềm tự hào mà bà chưa bao giờ nghĩ tới.
Và với niềm tin, với tình yêu thiên nhiên, bà Khiêm đang gom góp những kinh nghiệm của cuộc đời để nuôi nấng và dạy dỗ các thế hệ con cháu của mình. Bởi nỗi lo tốc độ đô thị hóa nhanh, khu vực vườn cò này không còn hoang vắng như 15-20 năm về trước. Những ngôi nhà tầng của người dân đã mọc lên sát với khu rừng, đồng ruộng, ao hồ bị lấp làm cho môi trường sinh sống, nơi cung cấp nguồn thức ăn cho cò bị hạn hẹp, đã khiến số lượng cò trở về vườn giảm sút. Việc bảo tồn, giữ gìn không gian sống cho cò, luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng bà.
Chia tay bà Khiêm, chúng tôi mang theo một nỗi niềm canh cánh về số phận của rừng cò. Hy vọng rằng rừng cò này sẽ mãi còn với Hải Lựu, còn mãi với quê hương, là ngôi nhà ấm áp khi đàn chim trở về./.
Thùy Chung