Con đường xây dựng nông thôn mới bền vững không chỉ là chuyện đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập... mà còn là chuyện giữ gìn và phát huy những giá trị di sản, bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay. Đây là câu chuyện không mới, nhưng lại rất thường gặp, không chỉ ở Vĩnh Phúc mà tất cả các địa phương trên cả nước.
Sông Lô là một trong những dòng sông lớn chảy qua địa phận Vĩnh Phúc, nó đã để lại nhiều dấu tích đặc trưng của vùng văn hóa gắn với nông nghiệp lúa nước, ẩn chứa trong đó những phong tục tập quán đậm chất hồn Việt. Xã Đức Bác, huyện Sông Lô bao gồm hệ thống di tích, lễ hội, ẩm thực và hơn hết là văn hóa con người của vùng đất ven sông.
Những giá trị quý báu ấy được tích lũy, gìn giữ trong hàng ngàn năm, song đang đứng trước nguy cơ mai một trong dòng chảy thời gian. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Làng văn hóa kiểu mẫu, điệu hát Trống quân đang dần được khôi phục. Các đình, đền liên quan đến không gian diễn xướng của làn điệu này bắt đầu được trùng tu. Đây cũng trở thành một tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch văn hóa.
Cũng là một trong những làn điệu hát cửa đình, hát Xoan có nguồn gốc ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng thuộc hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Qua khảo sát, Vĩnh Phúc có 3 xã có nguồn gốc về hát Xoan. Trong đó làng Hoàng Thượng - xã Kim Xá - huyện Vĩnh Tường là một trong những ngôi làng còn giữ được di sản văn hóa độc đáo này. Vào dịp Tết Nguyên đán hoặc lễ hội làng, các đào, kép trong làng lại múa hát Xoan trước đình, chùa để thờ Thánh, lễ Phật, cầu chúc cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Hiện nay, ở thôn Hoàng Thượng chỉ còn hơn 20 đào nữ, đều từ 60 đến 85 tuổi. Những thế hệ trẻ trong làng ít ai biết được về làn điệu cổ- từng rất nổi tiếng tại chính quê hương của mình.
Chúng tôi cùng với Câu lạc bộ và trường tiểu học Kim Xá, huyện Vĩnh Tường tổ chức một buổi học đầy bất ngờ cho một số em học sinh ở trường. Mặc dù hát Xoan thôn Hoàng Thượng đã được công nhận là di sản văn hóa, cũng trở thành nét văn hóa độc đáo của địa phương, thế nhưng với rất nhiều em học sinh thì đây lại là lần đầu tiên các em được nghe và được hát làn điệu này.
Cũng là một địa phương có địa thế ven sông, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch là một vùng đất còn lưu dấu nhiều phong tục tập quán, bên cạnh việc xây dựng nông thôn mới thì cấu trúc làng cơ bản vẫn được lưu giữ. Trong đó có ngôi đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên hãn được nhân dân xây dựng và phụng thờ ở trung tâm của làng. Đây là công trình có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc được xây dựng vào thời Hậu Lê.
Bên cạnh đó, Sơn Đông cũng nổi danh làng khoa bảng từng có tên trong danh sách 20 làng khoa bảng của cả nước, là một trong những nơi sản sinh nhiều nhân tài. Đền thờ Nhà giáo Đỗ Khắc Chung được xây dựng từ khoảng giữa thế kỉ XIV trên nền lớp học cũ mà Nhà giáo dùng làm nơi dạy học cho nhiều thế hệ con em dân làng Quan Tử. Đền hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật và tư liệu quí.
Ngày nay, với Sơn Đông, việc xây dựng nông thôn mới không chỉ là chuyện đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập... mà còn là chuyện bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay. Dù đã có nhiều đổi thay nhưng việc gìn giữ và phát huy những công trình di sản, giá trị văn hóa của ông, cha để lại ở vùng nông thôn này vẫn luôn hiện hữu một cách thân thương và bình dị.
Di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất chứa đựng giá trị lâu đời về lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ những thế hệ trước. Di sản văn hoá hiểu rộng ra chính là tất cả những di sản và loại hình văn hoá ví dụ như di tích, các loại hình nghệ thuật, lễ hội… vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và có giá trị đối với cộng đồng. Chính vì vậy, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là cả một hành trình cần sự tổng hòa của rất nhiều các yếu tố về cơ chế chính sách, mục tiêu phát triển của các địa phương.
Để hệ thống di sản văn hóa được phát huy giá trị, nó phải được sống cùng với người dân. Bởi theo quy luật của sự phát triển, những thứ hiện hữu hoặc làm ra trong thời đại này 100-200 năm sau lại trở thành di sản. Vì vậy, trong cuộc vận động, phát triển của quá trình đô thị hóa nông thôn, hệ thống di sản văn hóa ấy phải được bảo tồn và phát huy.
Có thể thấy rằng, quá trình đô thị hóa nông thôn là một quy luật phát triển tất yếu.Theo thời gian, nông thôn ngày nay ngày càng tiệm cận với đô thị, vì vậy những hệ giá trị, cấu trúc nông thôn hay cấu trúc làng đang dần bị phá vỡ.Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu hay thôn thông minh đã và đang rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Và trong quá trình phát triển như vậy, vị trí của hệ thống di sản văn hóa của nông thôn đang cần được khẳng định hơn bao giờ hết.
Với mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, thiết nghĩ rằng Vĩnh Phúc cũng cần phải xây dựng một trục phát triển lấy Sông Hồng làm trung tâm. Bởi đây cũng là khởi nguyên của những nền văn hóa lâu đời. Và để làm được như vậy di sản văn hóa chính là sợi dây kết nối, là gốc để phát triển kinh tế mà trong đó du lịch văn hóa là một lối đi bền vững.
Để di sản văn hóa sống cùng với Nhân dân, hòa cùng Nhân dân của thời đại, cần biến di sản văn hóa thành điểm tựa để phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Di sản văn hóa đã tạo nên lịch sử, chính bề dày lịch sử, chiều sâu hun hút của văn hóa mà ông, cha để lại đã kết dựng nên bức tường thành kiên cố chống lại những tác động tiêu cực của đời sống hiện đại, từ đó góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thùy Chung