Triều Mạc - một triều đại chỉ có 65 năm trị vì theo chính sử nhưng lại có nhiều dấu ấn về văn hóa, khoa cử, cộng thêm rất nhiều ẩn số trong lịch sử đã để lại cho Vĩnh Phúc những di sản có giá trị.
Thôn Diệm Xuân, thuộc xã Sao Đại Việt huyện Vĩnh Tường - nơi được phát hiện là một trong những địa bàn lưu trú của hậu duệ nhà Mạc với nhiều chi họ khác nhau. Cụm di tích đền, đình, chùa Diệm Xuân còn gắn với truyền ngôn về vị vua cuối cùng của triều Mạc. Tương truyền, sau khi thất thủ ở Cao Bằng bị quân Lê - Trịnh đánh bại, ông đã cùng gia thất xuôi theo sông Hồng ẩn cư, đi tu ở chùa Trống và viên tịch tại đây. Nơi đây cũng được coi là cụm di tích còn lưu giữ nhiều dấu tích nhất của nhà Mạc tại Vĩnh Phúc.
Thôn Diệm Xuân, thuộc xã Sao Đại Việt, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vốn là ngôi làng cổ nổi danh từ thời Hùng Vương dựng nước, chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa. Tiêu biểu nhất và có nhiều ý nghĩa cả về lịch sử, văn hóa và yếu tố tâm linh là cụm di tích đình - chùa Diệm Xuân hay còn gọi là Chùa Trống. Nơi đây còn gắn với truyền ngôn về vị vua cuối cùng của triều Mạc - Mạc Kính Vũ.
Tương truyền, sau khi thất thủ ở Cao Bằng bị quân Lê - Trịnh đánh bại vào năm 1677, Mạc Kính Vũ cùng gia thất xuôi theo sông Hồng ẩn cư, đi tu ở chùa Xuân Sơn (tên Nôm là chùa Trống) và viên tịch tại đây. Khi tới mảnh đất này, Mạc Kính Vũ đã xây dựng chùa Trống và tu ở chùa, lấy chùa Trống làm bình phong che chở ẩn thân của hoàng thất, cải họ thành họ Nguyễn. Sau ông mất và được an táng tại đây.
Theo những nghiên cứu và ghi chép để lại, khu đồi Diệm Xuân nằm ở vị trí địa thế cao nhất của xã Việt Xuân cũ, trong đó có Đình Diệm Xuân. Đình Diệm Xuân thờ hai vị thủy thần là An Giang Đại Vương và Đông Hải Long Vương. Tương truyền hai vị đã có công trị thủy, bảo vệ mùa màng và cuộc sống người dân nơi đây. Đây là minh chứng rõ ràng về giá trị lịch sử truyền thống lâu đời của vùng đất này. Bởi thờ thủy thần chính là một trong những tín ngưỡng bản địa từ thủa sơ khai của người Việt. Đình được xây dựng từ bao giờ đến nay chưa xác định được niên đại.
Theo lời kể của các cụ cao tuổi thì đình Diệm Xuân xưa được làm theo lối “hậu đinh, tiền môn”, đến nay, chỉ còn một tòa kiểu chữ “đinh” gồm tiền tế 3 gian 2 dĩ và hậu cung 1 gian thờ dọc. Kết cấu các bộ vì gỗ làm kiểu quá giang gối tường đơn giản nhưng chắc khỏe, mái lợp ngói mũi truyền thống. Nghệ thuật điêu khắc được thể hiện chủ yếu ở các bức chạm trang trí ở xà rồng Thượng cung và trên các di vật, đồ thờ như Long ngai, kiệu bát cống, sập thờ...
Ngôi đình trước kia được dựng bên dòng sông Phó Đáy. Tuy nhiên, do yêu cầu phải di dời để tạo điều kiện cho việc đắp đê Tả Phó Đáy, cách đây hơn 30 năm, ngôi đình đã được Nhân dân thôn Diệm Xuân di chuyển vào khu đất đồi Chùa, xây dựng bên cạnh ngôi chùa Xuân Sơn, hằng năm hương khói phụng thờ. Đặc biệt nét rêu phong, cổ kính của ngôi đình có thể trở thành điểm du lịch văn hóa tín ngưỡng tâm linh hấp dẫn.
Một trong những điều thú vị và bí ẩn khi đến tham quan cụm di tích đình- chùa Diệm Xuân đó là những ngôi mộ cổ hiện nay còn lưu giữ trong khuôn viên chùa. Đáng chú ý, ở đồi chùa có 3 ngôi mộ cổ gồm: Nhà vua - Nhà tu hành Mạc Kính Vũ, Công chúa Mạc Chính Lan và Nguyễn Hữu Nhẫn (cháu nội vua Mạc Kính Vũ) . Đặc biệt là ngôi mộ cổ phía sau chùa hiện nay đã có sự tranh chấp nhiều năm giữa dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc. Tuy nhiên, sau khi có Hội thảo khoa học “Nhà Mạc và Hậu Duệ nhà Mạc trên đất Vĩnh phúc” ngày 21/9/2012, các nhà nghiên cứu bước đầu đi đến thống nhất cho rằng: Việt Xuân là vùng đất Vương triều Mạc ẩn cư sau thời kỳ ở Cao Bằng, trong đó có ngôi mộ Mạc Kính Vũ ở sau Xuân Sơn Tự. Nhưng ngôi mộ cổ này lại được dòng họ Nguyễn Đình đã tu sửa trước năm 2012 nên dẫn đến tranh chấp giữa hai dòng họ.
Cũng trong khuôn viên cụm di tích này còn có Đền thờ nhà Mạc với 12 ban Tượng thờ Đức Tiên vương, Tiên đế nhà Mạc trị vì thời kì ở Thăng Long, thời kì ở Cao Bằng, hậu Cao Bằng, 4 ban thờ Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa, Văn quan Võ tướng Mạc triều. Ngôi đền được các con cháu hậu duệ của nhà Mạc tu bổ và hoàn thiện từ năm 2017.
Từ ngày 11/2/2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 426/QĐ-CT phê duyệt dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân, liên kết với chùa Sùng Khánh ở xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, có nhiều dấu tích về nhà Mạc để trở thành điểm du lịch văn hóa - tín ngưỡng tâm linh gồm đình, chùa, đền, lăng mộ… Tuy nhiên đến nay đã hơn 10 năm nhưng cụm di tích vẫn chỉ được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, chưa có đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước của tỉnh.
Xét về tư liệu lịch sử, đối với thời kỳ nhà Mạc ở Vĩnh Phúc, việc nghiên cứu đã có những kết luận sơ bộ, tuy nhiên vẫn còn có những bí ẩn và những câu chuyện xung quanh đó. Vì thế cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, để có những thông tin đầy đủ, chính xác về thân phận hoàng đế Mạc Kính Vũ và gia tộc dòng họ Mạc thời kỳ ở Vĩnh Phúc; để một lần nữa khẳng định Diệm Xuân - Việt Xuân là một vùng đất cổ có vị trí quan trọng trong lịch sử, ẩn chứa nhiều tiềm năng địa - văn hóa, địa - du lịch cần được nghiên cứu bảo tồn và khai thác, phát huy.
Thùy Chung