Cập nhật: 25/04/2025 21:22:00
Xem cỡ chữ

“Sống hoài bão xông pha, chết kiên cường rực rỡ” những ký ức về một thế hệ “xếp bút nghiên” ra trận, trở thành bản anh hùng ca của tuổi trẻ, là minh chứng cho sức mạnh của ý chí và lòng yêu nước.

Vinh dự có mặt trong đoàn quân tham gia đánh chiếm các vị trí quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Hân, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên vẫn nhớ như in những ngày tháng xông pha. Quay ngược thời gian trở về quá khứ, ông Hân khi ấy mới là một chàng trai 18 tuổi, vừa rời ghế nhà trường.

Không chỉ có ông Hân, rất nhiều thế hệ thanh niên Vĩnh Phúc lúc ấy sẵn sàng ra trận. Những mảnh ký ức còn xót lại, những kỷ niệm khắc sâu trong mỗi gia đình, mỗi con người của những cựu chiến binh năm xưa. Với lời thề “ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của một thế hệ anh hùng, những chàng thanh niên lên đường với những ý chí và niềm tin mãnh liệt.

Với niềm tin đó đã tạo nên một trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Một thời đại anh hùng mà cả một dân tộc cùng nhau đứng lên chiến đấu, trong mỗi nếp nhà, trong mỗi gia đình thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước cùng đứng lên kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Vượt qua mọi gian khó, vượt qua bão bom đạn lửa, những choáng ngợp ban đầu của những chàng thanh niên vừa rời ghế nhà trường đã vào chiến trường, kề vai sát cánh bên nhau. Một cuộc chiến mà cả thế giới đang cho rằng giống như châu chấu đá voi. Có những người lần đầu ra trận, lần đầu thấy nhiều vũ khí đến vậy và lần đầu thấy địch cao to đến vậy….

Hòa chung khí thế quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống chiến tranh nào của quân dân miền Bắc, quân dân Vĩnh Phúc với truyền thống cách mạng vẻ vang đã xiết chặt đội ngũ, sẵn sàng chiến đấu. Trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc có trên 116.500 thanh niên lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên các chiến trường. Cũng từ tinh thần ấy, Vĩnh Phúc đã đóng góp một phần quan trọng vào cuộc chiến của cả dân tộc. Nhiều tập thể và cá nhân anh hùng đã đi vào lịch sử. Như Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Văn Thoa bắn rơi 13 máy bay, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Xuân Tấu, Vũ Văn Thực…

Với 13 lần bắn hạ máy bay các loại, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thoa là một trong những "xạ thủ" sử dụng tên lửa vác vai A72 nổi tiếng nhất của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam. Ngày đầu nhập ngũ, Thoa được vào đại đội 3, tiểu đoàn 17 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau đợt huấn luyện tân binh, Nguyễn Văn Thoa được cấp trên cử tham gia một khóa huấn luyện ngắn chuyên sử dụng tên lửa vác vai A72. Lần đầu tiên trực tiếp tham gia chiến đấu, chàng lính trẻ Nguyễn Văn Thoa đã bắn hạ 1 máy bay của địch trong niềm vui mừng khôn xiết của đồng đội.

Với sự sáng tạo trong cách đánh và khả năng tính toán tài tình về kỹ thuật sử dụng tên lửa A72, Nguyễn Văn Thoa được điều động tăng cường phối thuộc cho các đơn vị trong nhiều trận chiến đấu quan trọng. Bởi vì đây là một loại vũ khí được coi là hiện đại nhất của bộ đội ta lúc bấy giờ, để nắm được những kỹ thuật sử dụng nó trong thời gian ngắn gặp rất nhiều khó khăn.

Vào những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi quan sát thấy máy bay địch vào tầm ngắm, Nguyễn Văn Thoa đã bắn rơi chiếc máy bay C130 của địch, cách giờ toàn thắng chỉ có 2 giờ 30 phút. Kết thúc sự nghiệp "xạ thủ", tổng cộng Nguyễn Văn Thoa đã bắn rơi 13 máy bay các loại của địch. Ông được tặng thưởng 13 huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 3 Huân chương chiến công và danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT Nhân dân.

Với những tờ bản đồ nhỏ bé, những khẩu hiệu quyết tâm như lời hịch thúc giục đoàn quân Việt Nam tiến vào Sài Gòn bằng nhiều mũi khác nhau để quyết chiến cho trận đánh cuối cùng. Để rồi vào lúc11h30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ “ quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, non sông thu về một mối.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 không chỉ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là một bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại. Trong hơn 2 thập kỷ, một dân tộc nhỏ bé đã dũng cảm, kiên cường chống lại kẻ thù xâm lược hùng mạnh, hiếu chiến, giàu tiềm lực quân sự và giành được thắng lợi vẻ vang, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Đó là điều mà nhân loại những năm tháng ấy không thể hình dung nổi. 

Cuộc sống đã đổi thay nhưng huyền thoại Trường Sơn vẫn còn đó. Họ chiến đấu bằng niềm tin và niềm tự hào dân tộc. Họ cũng tin rằng những thế hệ trẻ sau này có thể tiếp tục viết tiếp bản hùng ca chiến thắng trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để giữa thời bình hôm nay, những câu chuyện, bài hát về ngày giải phóng vẫn cứ vang ngân về một thời kỳ “lửa và hoa” hào hùng của dân tộc.

Thùy Chung