Cập nhật: 29/11/2018 14:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm gần đây sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực. Trên địa bàn đã hình thành nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ năm 2016 đến nay, Chi cục QLCL Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi lợn thịt, chăn nuôi bò sữa, nuôi trồng thủy sản, các HTX sản xuất rau củ quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất theo VietGAP. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chứng nhận tiến hành đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 89 cơ sở gồm: 63 cơ sở chăn nuôi lợn thịt; 08 cơ sở sản xuất rau; 03 cơ sở chăn nuôi bò sữa; 13 cơ sở nuôi trồng thủy sản; 02 cơ sở trồng cây ăn quả.

Nhờ mạnh dạn áp dụng sản xuất theo VietGAP, nhiều HTX sản xuất rau, trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước gây dựng và khẳng định được thương hiệu của mình như: HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, HTX Rau an toàn Thanh Hà xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo; trang trại lợn của gia đình ông Hoàng Văn Viện xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên; trang trại lợn của anh Vũ Đình Lân xã An Hòa, huyện Tam Dương... Đây là những mô hình điểm nhằm tạo ra sự thay đổi theo hướng tích cực so với thói quen sản xuất tự phát của người dân trước đây. Đồng thời, đây cũng là nơi cung cấp cho thị trường những sản phẩm đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc, từ đó tạo nên thói quen tìm hiểu về nguồn gốc thực phẩm của người tiêu dùng.

Tìm hiểu thực tế tại trang trại chăn nuôi lợn của gia đình Bùi Đức Chính ở xã Thanh Vân, huyện Tam Dương được biết: Năm 2018, anh Chính đăng ký triển khai áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong chăn nuôi lợn tại trang trại theo chương trình hỗ trợ của tỉnh. Được sự tư vấn, hỗ trợ của cán bộ Chi cục QLCL Nông lâm sản & Thủy sản Vĩnh Phúc, nên các công đoạn chăn nuôi được tổ chức khoa học, việc nhập xuất thức ăn, thuốc thú y và sử dụng thuốc được ghi chép theo dõi nên tiết kiệm được chi phí đầu vào, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi được quản lý tốt; chất lượng lợn thịt luôn đảm bảo ATTP, được nhiều khách hàng tin tưởng. Qua kiểm tra, đánh giá trang trại đã đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Cùng với chăn nuôi lợn, rau củ quả được xác định là ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Vĩnh Phúc. Thực tế trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP với phương thức sản xuất, kinh doanh theo mô hình chuỗi liên kết tạo sự phát triển ổn định bền vững trong nông nghiệp.   

Là một trong số các HTX sản xuất rau mới được thành lập, các thành viên trong Ban quản trị HTX nông nghiệp An Phước xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương xác định rõ chiến lược để sản phẩm của HTX có sức cạnh tranh trên thị trường chính là việc phải sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo ATTP. Được sự hỗ trợ của Chi cục quản lý chất nông nông lâm sản và thủy sản Vĩnh Phúc, HTX đã quyết định xây dựng vùng sản xuất rau tập trung quy mô 3ha tại thôn Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh. Thời gian đầu HTX cũng gặp không ít khó khăn, do lao động tại HTX chủ yếu là người dân địa phương đã quen với tập quán canh tác cũ. Tuy nhiên sau hơn 1 năm đi vào sản xuất sản phẩm rau, củ, quả của HTX rau an toàn An Thịnh đã có sản lượng và thị trường ổn định và ngày càng mở rộng, mỗi ngày HTX xuất đi gần 1 tấn sản phẩm, đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng, đồng thời tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên của HTX tại địa phương.

Có thể khẳng định, qua quá trình hỗ trợ các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác theo kinh nghiệm của người dân. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí lao động và góp phần hướng tới một nền nông nghiệp sạch bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng./.

Đức Thiện

Tệp đính kèm