Cập nhật: 29/12/2018 14:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phát huy tiềm năng và lợi thế, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định lấy công nghiệp là khâu đột phá làm động lực tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2018, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và nỗ lực của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục có nhiều khởi sắc, đặc biệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng khá cao so với cùng kỳ.

Do kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã tạo đà cho ngành công nghiệp tăng trưởng ấn tượng. Ước hết năm 2018, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Trong số 10 ngành công nghiệp chủ lực, ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục có những bứt phá ngoạn mục khi số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực này tăng và doanh số bán hàng, thị trường tiêu thụ của các công ty sản xuất linh kiện điện tử được mở rộng. Đây cũng là ngành duy trì được mức tăng cao và liên tiếp dẫn đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu, có đóng góp chủ lực vào tăng trưởng chung của ngành sản xuất công nghiệp. Tiếp đến là sản xuất ô tô, năm 2018, hai doanh nghiệp sản xuất ô tô là Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam đã sản xuất, bán thị trường 62.300 xe, tăng 10.000 xe so với kế hoạch đề ra và tăng gần 20% năm ngoái. Riêng đối với sản xuất xe máy, nhờ tích cực cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, các dòng xe, nhất là dòng xe tay ga với giá cả hợp lý tiếp tục được thị trường đón nhận.

Trong năm, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là thu hút vốn FDI. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch. Kiên quyết từ chối tiếp nhận, cấp phép cho những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sinh thái. Tỉnh tập trung chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp: Thăng Long Vĩnh Phúc, Bá Thiện 2, Chấn Hưng để có quỹ đất cho sản xuất và triển khai dự án. Hàng tuần, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp; tiếp tục giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, đồng thời, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh.

Nhờ các triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, năm 2018, toàn tỉnh thu hút được 92 dự án đầu tư, trong đó, cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 35 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án DDI, với tổng vốn đăng ký 4,57 nghìn tỷ đồng, tăng 97% về vốn so với cùng kỳ và 82% so với kế hoạch; cấp giấy chứng đầu tư mới cho 57 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 33 dự án FDI, với tổng vốn đăng lý 450 triệu USD, tăng 80% so với kế hoạch.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Xuyên, hiện toàn huyện có 7 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô gần 1.900ha. Trong đó, có 6 khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư gồm: Khu công nghiệp Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II, Bá Thiện II, Sơn Lôi và khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc với tổng vốn đăng ký đầu tư các dự án hạ tầng trên 3.250 tỷ đồng và gần 160 triệu USD. Tại các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, cáp quang,…được tỉnh đầu tư đến chân hàng rào, đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp. Huyện Bình Xuyên cũng nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Năm 2019, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 218.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Lê Minh 

Tệp đính kèm