Cập nhật: 18/12/2018 15:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghị quyết 201 nằm trong chương trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Chi cục Trồng Trọt & BVTV tỉnh được giao thực hiện nội dung hỗ trợ các hộ sản xuất rau ăn lá, rau quả hàng hóa an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Để việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, hàng năm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT phối hợp với Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố tiến hành rà soát, lựa chọn các cơ sở sản xuất đủ điều kiện để hỗ trợ. Sau khi lựa chon được các cơ sở, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tiến hành tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV trên rau theo nguyên tắc 4 đúng cho các cơ sở; cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm công tác dự tính, dự báo sâu bệnh tại các vùng sản xuất được hỗ trợ.

Hiện Chi cục triển khai chương trình hỗ trợ đến tất cả các hộ dân đăng ký. Bên cạnh đó. Chi cục thực hiện hỗ trợ các hộ sản xuất trực tiếp bằng các loại giống sạch bệnh, năng suất chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và hỗ trợ thuốc BVTV sinh học, thảo mộc, phân bón hữu cơ vi sinh để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết tổng diện tích thực hiện hỗ trợ sản xuất rau ăn lá, rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP  từ năm 2016-2018 là trên 3000 ha.

Đồng thời trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như su su, dưa chuột, ớt, bí đỏ, sản phẩm rau quả đã cơ bản đáp ứng về nhu cầu về thực phẩm cho người dân Vĩnh Phúc và cung cấp một lượng hàng hóa lớn cho các tỉnh, thành phố lân cận và các tỉnh miền núi phía Bắc, một phần xuất khẩu mang thương hiệu rau của Vĩnh Phúc đã có mặt trong các siêu thị cửa hàng thực phẩm an toàn trong cả nước.

Cùng với việc nâng cao chất lượng, sản lượng rau an toàn, ngành nông nghiệp chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho từng sản phẩm. Đến nay, tỉnh đã có 3 thương hiệu tập thể cho rau an toàn là: Rau an toàn Sông Phan được sử dụng chung cho các cơ sở sản xuất dọc theo hai bờ Sông Phan; rau an toàn Sao Mai được sử dụng chung cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất theo quy trình VietGap và rau su su an toàn Tam Đảo được sử dụng chung cho các hộ nông dân trồng rau su su theo VietGap ở thị trấn Tam Đảo. Nhờ có thương hiệu nên việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giá trị kinh tế được nâng cao góp phần khuyến khích người nông dân, các địa phương tích cực sản xuất rau an toàn.

Nhờ có các cơ chế hỗ trợ hiệu quả nên sản xuất rau ăn lá, rau quả hàng hóa an toàn làm theo tiêu chuẩn VietGAP đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Qua đây giúp người sản xuất từng bước mở rộng diện tích trồng rau qủa an toàn, tăng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Hiện tại sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận VietGap ước đạt khoảng 40 ngàn tấn/năm, bằng 25% tổng sản lượng rau sản xuất cả tỉnh.

Trong thời gian tới ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền đến hỗ trợ kỹ thuật và quản lý nhà nước để phấn đấu đạt mục tiêu toàn tỉnh có hơn 3 nghìn ha rau an toàn, rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap vào năm 2020./.

Đức Thiện

Tệp đính kèm