Cập nhật: 21/03/2019 08:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những ngày gần đây do thời tiết nóng ẩm nên một số loại sâu bệnh đã phát sinh trên lúa chiêm xuân. Trong đó bệnh đạo ôn đã xuất hiện tại một số trà lúa thuộc các địa phương như Sông Lô, Tam Đảo, Bình Xuyên… Vì vậy việc chủ động phòng, chống bệnh đạo ôn trên cây lúa thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển bình thường.

Trên thửa ruộng của gia đình bà Trần Thị Nến, thôn Thanh Sơn, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo. Vụ Xuân 2019 này, gia đình bà gieo cấy với diện tích trên 4 sào lúa, tập trung chủ yếu là giống BC15. Do thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, không có hiện tượng rét đậm, rét hại xảy ra, đến nay cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên thời tiết âm u, nhiều mây, kèm theo mưa nhỏ đã dẫn đến phát triển của bệnh đạo ôn. Được sự khuyến cáo của Trạm Trồng trọt & BVTV Tam Đảo về tình hình sâu bệnh hại, bà Nến và các hộ nông dân khác trên địa bàn đã tiến hành kiểm tra đồng ruộng và tiến hành phun thuốc trừ đạo ôn.

Theo Thông báo của Chi cục Trồng trọt & BVTV, tính đến ngày 15/3 trên địa bàn tỉnh, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên một số diện tích lúa, giống nhiễm như: J02, BC15, nếp địa phương,… tỷ lệ dảnh hại phổ biến 4-5%, cao 25-30%, cục bộ có ổ lụi thành chòm như: Thị trấn Thanh Lãng huyện Bình Xuyên, xã Đại Đình huyện Tam Đảo, bệnh có khả năng lây lan trên diện rộng trong thời gian tới. Để bà con nắm bắt được sự xuất hiện cũng như biện pháp phòng trừ bệnh Đạo ôn, kỹ sư Phan Văn Trực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV sẽ hướng dẫn bà con biện pháp phòng chống bệnh đạo ôn trên lúa xuân.

Bệnh phát sinh, phát triển trên phiến lá, đốt, thân cây lúa. Giai đoạn lúa đẻ rộ đến đứng cái làm đòng (đạo ôn lá). Giai đoạn trỗ - chắc xanh (đạo ôn cổ bông). Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ giọt dầu màu xanh xám, sau lớn dần lên, lan rộng ra phiến lá và kéo dài ở hai đầu, ở giữa phình to tạo thành vết hình thoi (đây là triệu chứng điển hình của bệnh đạo ôn). Nhiều vết bệnh trên phiến lá, bẹ, đốt thân liên kết lại làm cho phiến lá, bẹ và đốt thân cây lúa bị gẫy gập, khô rạc đi. Cây còi cọc, thấp lùn xuống so với cây khỏe. 

Ruộng bị nặng có thể làm cho lúa trỗ kém, hạt lép lửng nhiều và giảm năng suất rõ rệt nếu không phòng trừ kịp thời.

Bệnh do một loại nấm gây hại. Nấm bệnh phát sinh phát triển và gây hại mạnh khi điều kiện thời tiết mát mẻ, ít nắng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù kéo dài 1 đến 2 tuần. Đặc biệt là bào tử nấm nảy mầm, sợi nấm xâm nhập vào cây lúa trong điều kiện trên lá, bông lúa có nhiều giọt nước, giọt sương đọng.

Biện pháp phòng trừ:

- Các vùng thường xuyên bị bệnh thì nên gieo cấy các giống lúa kháng bệnh;

- Thực hiện cấy thưa vừa phải không nên cấy quá dày trên 40 khóm/m2;

- Chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý giữa NPK, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục hoặc hữu cơ vi sinh;

- Khi ruộng mới bị bệnh, ngừng bón phân đạm, kali, ngừng phun các loại phân bón qua lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun: Victory USA 250 WP, Starmonas 45 WP, Fu-Amy 40EC, FuJi-one 40EC, Bankan 600WP,… Những ruộng lúa bị bệnh nặng có ổ lụi cần phun nhắc lại lần 2 cách lần 1 từ 3-5 ngày. Giữ nguyên mực nước trên ruộng.

Đức Thiện

Tệp đính kèm