Cập nhật: 10/04/2019 14:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Biệt động Sài Gòn” là bộ phim kinh điển nổi tiếng và được coi là một trong những thành công chói sáng của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đây là bộ phim đầu tiên và duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện chân thực những chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc. Bộ phim đã lập nhiều kỷ lục về số lượng người xem, gây sốt dư luận và là “bệ phóng” của nhiều diễn viên từ vai chính đến vai phụ. Gần 40 năm trôi qua nhưng “Biệt động Sài Gòn” đến thời điểm này vẫn luôn mang giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc và tinh thần lớn lao đối với khán giả Việt Nam.

Vào thời điểm xuất hiện lần đầu tiên (1986), “Biệt động Sài Gòn” đã trở thành hiện tượng phòng vé. Hình ảnh công chúng xếp hàng mua vé đi xem phim, thậm chí có nơi chen lấn mua vé đến đổ tường như ở rạp Cổ Nhuế (Hà Nội) đã tạo nên một cảnh tượng chưa từng thấy trong lịch sử của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

“Biệt động Sài Gòn” không chỉ miêu tả những cảnh chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ngoài chiến trường mà còn phản ánh đậm nét cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ biệt động hoạt động bí mật trong lòng địch. Bên cạnh đó, bộ phim cũng phần nào khắc hoạ được chất tình giữa muôn nghìn “chất thép” của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tư Chung - vị Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn, cùng người đồng đội Ngọc Mai phải đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có, ngày ngày chạm trán cùng tướng tá trong hàng ngũ Việt Nam cộng hòa. Sống giữa “Bầy lang sói”, họ không những phải bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, trực tiếp chỉ huy đồng đội, mà còn phải đối mặt với những tình huống vô cùng khó khăn, nguy hiểm, không chỉ trước nòng súng hay làn đạn, mà còn là cuộc chiến đấu giữa lý trí và tình cảm. Trong khi đó, một nữ chiến sĩ biệt động khác phải cải trang thành người xuất gia tu hành để dễ bề che mắt kẻ thù. Bên cạnh đó, còn có những người đồng đội gan dạ, mưu trí khác như Năm Hòa (bí danh K9), Sáu Tâm, bà má hậu phương, em bé bán báo làm giao liên...mỗi người một vị trí, vai trò khác nhau, cùng yêu thương, đoàn kết tạo nên sức mạnh quân dân.

Được làm cùng thời và cùng tâm thế với “Ván bài lật ngửa” (phim đen trắng) nhưng “Biệt động Sài Gòn” là phim màu, gồm 4 tập: “Điểm hẹn”, “Tĩnh lặng”, “Cơn giông” và “Trả lại tên cho em” do Long Vân làm đạo diễn. Lối diễn xuất của các diễn viên: Thương Tín, Quang Thái, Thanh Loan, Thúy An, Hà Xuyên, Bùi Cường, Đỗ Văn Nghiêm, Robert Hải, Kim Chi, Nguyễn Mai A, bé Vân Dung…và hàng trăm diễn viên khác đã để lại ấn tượng khó quên đối với người yêu điện ảnh Việt Nam nhiều thế hệ.

* Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đặt tên cho phim.

Ban đầu, đạo diễn Long Vân để tên tác phẩm là “Thiên thần ra trận”, nhưng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - khi ấy là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khi biết được tỏ ý không bằng lòng. Theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, thiên thần chưa chắc đã lập được chiến công hiển hách như những chiến sĩ biệt động, đồng thời tại sao không để là Biệt động Sài Gòn để lột tả chân thực được thực tế diễn ra. Thấy ý kiến quá chí lý, ngay sau khi làm xong tập 1, đạo diễn đã đổi lại tên tác phẩm của mình.

* Chấp nhận “hành hạ” con gái ruột duy nhất để có tác phẩm chân thực.

Đạo diễn Long Vân đã từng “mời gãy lưỡi” thì con gái duy nhất của ông là diễn viên nhí Vân Dung mới chịu vào vai em bé bán báo. Cảnh phim có lẽ đáng nhớ nhất với em bé bán báo, chính là phân cảnh em bị địch tra tấn bằng cách bỏ vào thùng rắn độc.

Đạo diễn đã thuê khoảng hai chục con rắn khỏe của một nhà hàng chuyên bán rắn, thuê luôn cả nhân viên cửa hàng đóng vai người tra tấn để điều khiển rắn cho an toàn. Ông giấu nhẹm chuyện những con rắn này đã bị nhổ hết răng và cắt bỏ nọc, đuôi bị cột chặt lại để Vân Dung kinh hoàng, khóc thét…để có được những thước phim chân thực nhất.

* Những chuyện tình lãng mạn giữa thời chiến:

 Là một bộ phim lấy bối cảnh chiến tranh, “Biệt động Sài Gòn” vẫn không thiếu đi sự thi vị được truyền tải nhẹ nhàng, khéo léo qua tình quân - dân, tình đồng đội và cả tình yêu lãng mạn của các chiến sĩ biệt động. Xen giữa những cuộc đối đầu nảy lửa là những câu chuyện tình yêu giàu cảm xúc nhưng cũng nhiều nước mắt của các cặp đôi: Tư Chung - Huyền Trang, Ngọc Mai - Tư Chung, Sáu Tâm - Ngọc Lan...Chính những nét điểm xuyết này đã giúp cho bộ phim dễ đi vào lòng người hơn so với những bộ phim đơn thuần về đề tài chiến tranh ở thời điểm đó.

Trong khuôn khổ cho phép, ê-kíp làm phim đã cố gắng tìm cái nhìn khách quan, chân thực, nhằm cắt nghĩa: vì sao lực lượng biệt động thành - vốn đông đảo lại có thể tồn tại nơi đô thị Sài Gòn. Biệt động sống được, hoạt động được là do người dân che giấu, từ nhân dân mà ra, từ nhân dân mà trở về.

Thành công lớn nhất của phim “Biệt động Sài Gòn” không chỉ dừng lại ở những chiến công lẫy lừng của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn bắt được “nhịp cầu lòng dân” từ thời chiến sang thời bình. Những chiến sĩ biệt động không chỉ chiến đấu vì nhiệm vụ chung của tổ quốc mà còn sẵn sàng hy sinh tình cảm cá nhân vì vận mệnh của đất nước, của dân tộc.

“Biệt động Sài Gòn” đạo diễn Long Vân, kịch bản Lê Phương, Nguyễn Thanh với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên nổi tiếng của Điện ảnh Việt Nam như: Bùi Cường, Thanh Loan, Thương Tín, Hà Xuyên...do hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất.  

“Biệt động Sài Gòn” - phim Việt Nam 4 tập được phát sóng trong khung 21h15’ và 22h30’ các ngày 27, 28, 29, 30/4/2019 trên Đài PT-TH Vĩnh Phúc.

Mời quý vị chú ý đón xem.

Tệp đính kèm