Cập nhật: 16/05/2019 10:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, mô hình kinh tế trang trại đã và đang được nhiều hộ gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế nông nghiệp khu vực nông thôn. Thực tế những mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, tập trung, hiện đại.


Gia đình bà Nguyễn Thị Thêu, thôn Dộc Lịch, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương là một trong những hộ đi đầu trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Trên diện tích 9 ha bố trí nuôi các loại gà giống, gà đẻ trứng và ấp nở khép kín với quy mô trên 10 vạn gà. Mô hình này thường xuyên giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho gần 100 lao động địa phương. Nhờ thực hiện chăn nuôi, ấp nở và chế biến thức ăn theo quy trình khép kín và thực hiện tốt công tác phòng dịch nên đàn gà đẻ trứng và gà con sau khi ấp nở của trang trại gia đình bà Thêu luôn đảm bảo chất lượng, được thị trường tin dung.

Hiện toàn tỉnh có gần 1000 trang trại trồng trọt, chăn nuôi đang hoạt động, trong đó có 314 mô hình đã được thẩm định và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Phát triển kinh tế trang trại được xem là một bước phát triển vượt trội của kinh tế hộ, kinh tế gia trại. Những năm qua, hình thức phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều bước chuyển biến tích cực. Trong tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại được xem là một trong những mũi nhọn, tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập và việc làm cho lao động nông thôn.

Hiện nay, một số trang trại trên địa bàn tỉnh đã sản xuất và cung cấp giống tốt, làm dịch vụ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng, góp phần tạo sự chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất, tạo ra một khối lượng hàng hoá lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập cho lao động trong nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận quy trình công nghệ mới về sản xuất sản phẩm sạch, an toàn,… vào sản xuất kinh doanh của trang trại đã được chú trọng, một số vùng được quy hoạch vùng phát triển trang trại tập trung, xa khu dân cư, hạn chế tình trạng chăn nuôi tại hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Đây được xem là hướng đi tích cực đối với hình thức phát triển kinh tế trang trại của Vĩnh Phúc.

Đức Thiện 

Tệp đính kèm