Cập nhật: 20/06/2019 09:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vụ Mùa 2019, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 33.500 ha diện tích cây trồng hàng năm. Trong đó: cây lúa 25.700 ha; còn lại là các cây rau màu khác. Việc tuân thủ các kỹ thuật gieo cấy và phòng trừ sâu bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định đến năng suất lúa của toàn vụ.

Theo Kế hoạch, vụ Mùa năm 2019, thời vụ gieo từ ngày 05-10/6, tuổi mạ 10-15 ngày. Vụ Mùa năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy giống lúa chất lượng đạt trên 70% diện tích.

Để sản xuất vụ Mùa 2019 đúng trong khung thời vụ, ngay từ đầu mùa vụ Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương chuẩn bị đủ giống và các loại vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất. Dự kiến sâu bệnh trong vụ Mùa 2019 sẽ có những diễn biến phức tạp, nguồn sinh vật gây hại từ vụ Xuân chuyển sang vụ Mùa rất lớn, mạ và lúa gieo thẳng là cầu nối để sinh vật gây hại phát sinh, phát triển. Do vậy ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cần tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như cấy lúa hiệu ứng hàng biên, SRI, IPM, ICM thực hành nông nghiệp tốt ngay từ đầu vụ để cây lúa sinh trưởng khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh hại và các điều kiện ngoại cảnh bất thuận.

Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Trà - cán bộ Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn bà con nông dân một số kỹ thuật canh tác và phòng chống sâu bệnh trên lúa đầu vụ mùa như sau:

Cần tiến hành làm đất kỹ trước khi cấy, kết hợp xử lý đất bằng vôi bột, thực hiện bón vôi bột với lượng 20 - 30 kg/sào trước khi cày bừa nhằm khử chua đất, trung hòa các khí độc do phân hủy hữu cơ. Nơi có điều kiện nên cày bừa 2 lần, cách nhau 7-10 ngày. Ngoài ra, bà con nông dân có thể sử dụng các chế phẩm như: Chế phẩm Sumitri, phân vi sinh ABI - Trichoderma... để xử lý rơm rạ sau thu hoạch nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ và bệnh nghẹ rễ trên lúa mới cấy.

Đối với trên ruộng mạ: Ở giai đoạn cây mạ non sẽ thường xuất hiện sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng. Thì hiện nay, bướm và trứng sâu đục thân lứa 3 đã xuất hiện rải rác. Mật độ bình quân 0,05 - 0,1 con (ổ)/m2, nơi cao 0,2 - 0,5 con (ổ)/m2

- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Rầy tuổi 2 - 4 đang gia tăng mật độ gây hại mạ, mật độ bình quân 5 - 15 con/m2,

Đề nghị thực hiện:

+ Vợt bướm sâu đục thân và sâu cuốn lá. Ngắt ổ trứng sâu đục thân đem tiêu hủy, bắt sâu non sâu cuốn lá tiêu diệt;

+ Phun tiễn chân mạ trước khi cấy 2 - 3 ngày bằng các loại thuốc trừ sâu, rầy như: thuôc Nicata 95SP, Patox 95SP, Virtako 1.5GR… kết hợp với thuốc trừ bệnh như: Avalon 8WP, Kasumin 2SL...

Ở giai đoạn đầu vụ Mùa cần lưu ý phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa ngay từ đầu vụ bằng các biện pháp sau:

* Biện pháp thủ công

Cày bừa kỹ, san phẳng ruộng không để ruộng lồi lõm trước khi gieo, cấy; tăng cường bón vôi khoảng 20 -25 kg/sào; nếu có điều kiện có thể tạo rãnh trên ruộng để vừa dễ chăm sóc lúa vừa thu hút ốc vào rãnh để bắt thu gom đem tiêu hủy;

- Thường xuyên bắt ốc vào buổi sang sớm hay chiều mát các loại ốc non và trưởng thành làm trhức ăn cho chăn nuôi hoặc đem tiêu hủy dùng làm phân bón cho cây ăn quả.

- Dùng tay làm dập nát các ổ trứng ốc (ổ trứng màu vàng rất dễ nhận biết) trên bờ cỏ, cây lúa, cỏ,… hạn chế mật độ ốc trên ruộng. Có thể dùng các cọc cắm trên ruộng cho ốc tập trung đẻ sau đó tiêu hủy.

- Chỉ giữ mực nước trên ruộng 2 - 3 cm, có thể làm khô, cạn xem kỹ để hạn chế ốc.

* Dùng thuốc đặc hiệu để phun trừ:

- Khi mật độ ốc bươu vàng trên ruộng cao 3 - 6 con/m2 trở lên thì dùng một trong những loại thuốc đặc hiệu để phun trừ như: Pazol 700 WP, Clodan super 700 WP, Baycide 70 WP, Oosaka 700 WP.

Chú ý: Sử dụng các loại thuốc trừ cỏ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì hoặc nhãn phụ kèm theo.

Trên đây là một số hướng dẫn kỹ thuật, chúc  bà con lưu ý phòng chống sâu bệnh hại từ đầu vụ Mùa 2019 để bảo vệ an toàn cho sản xuất./.

 Đức Thiện

Tệp đính kèm