Cập nhật: 18/07/2019 09:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn hại lúa là nhóm bệnh nguy hiểm, đây là những bệnh do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường phát sinh gây hại từ khi lúa ở giai đoạn làm đòng trở đi và lây lan rất nhanh. Những ngày vừa qua thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa giông làm cho lá lúa bị giập sẽ là điều kiện cho bệnh đốm sọc vi khuẩn phát sinh và gây hại lúa mùa.

Theo Báo cáo về tình hình sâu bệnh hại của Chi cục trồng trọt& BVTV hiện nay bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã xuất hiện rải rác trên các giống lúa mùa sớm. Với tỷ lệ hại từ 3% đến 10%số lá. Cả hai đối tượng trên đều do vi khuẩn gây nên, bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. Oryzae gây hại.Ởbệnh đốm sọc do vi khuẩn Xanthomonas oryzicola. Biện pháp phòng trừ còn gặp nhiều khó khăn, vì thực tế hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu cho bệnh do vi khuẩn gây bệnh thực vật nói chung.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, sản xuất vụ Mùa sẽ diễn ra trong thời tiết biến đổi thất thường, nắng nóng, mưa to, gió lớn liên tiếp là điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn  phát sinh gây hại trên lúa mùa. Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên lúa cao, đặc biệt đối với các giống lúa có bản to và mỏng.

Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Trà, Chi cục Bảo vệ và thực vật tỉnh hướng dẫn bà con nông dân một số biện pháp phòng trừ bệnh bạc lá và bệnh đốm sọc do vi khuẩn như sau:

Đối với bệnh bạc lá, thì bà con nên lưu ý:

1. Đối với giống: Bà con nên chọn giống kháng bệnh tốt với bệnh bạc lá để đưa vào gieo cấy, đặc biệt là vụ Mùa; Cònđối với những vùng thường xuyên bị bệnh nặng cần rà soát, điều chỉnh cơ cấu giống, sử dụng các giống lúa có khả năng chống chịu hoặc ít nhiễm bệnh. Hạn chế gieo trồng các giống lúa có bản lá to, lá mỏng.

2. Biện pháp canh tác

- Ngay từ đầu vụ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), cấy hiệu ứng hàng biên (hàng rộng hàng hẹp), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),... Trong đó tập trung vào các biện pháp như giảm mật độ cấy, chăm sóc, bón thúc sớm, bón tập trung và cân đối N: P: K để tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển tốt và tăng khả năng chống chịu bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

- Khi bệnh chớm xuất hiện, dừng ngay bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng.

3. Sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật đặc hiệu

Tại những vùng thường xuyên bị bệnh bạc lá nặng, giống nhiễm nặng có thể sử dụng một số loại thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có hoạt chất Bismerthiazol (…), Copper huydroxide(…), Oxolinic acid(…), Thioddiazole zinc(…), Thiodiazole copper(…),… để phun sau đợt mưa giông hoặc khi bệnh mới xuất hiện (tỷ lệ bệnh dưới 5%) theo chỉ dẫn của cơ quan chuyên ngành BVTV hoặc theo hướng dẫn ghi trên bao bì để phòng ngừa và hạn chế sự lây lan của bệnh.

Ở bệnh đốm sọc vi khuẩn thì bà con cần lưu ý một số biện pháp phòng trừ như sau:

- Sử dụng các giống kháng bệnh là biện pháp chủ đạo trong phòng chống bệnh.

- Xử lý hạt giống trước khi gieo

- Bón phân đúng kỹ thuật, đúng giai đoạn, bón đạm nặng đầu nhẹ cuối, bón thúc sớm cân đối với kali theo tỷ lệ nhất định (1:1).

- Ruộng lúa cần điều chỉnh mức nước thích hợp (5 - 10cm), nhất là sau khi lúa đẻ nhánh; nếu thấy bệnh chớm xuất hiện thì có thể rút nước để khô ruộng trong 2 - 3 ngày để hạn chế sinh trưởng của cây lúa.

- Để phòng bệnh nhằm hạn chế sự phát triển của bệnh có thể rắc vôi 2 - 3 kg/sào lúc lúa mới chớm bị bệnh hoặc sử dụng thuốc BVTV có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ.

Ngoài ra, cần tiến hành biện pháp vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại và ký chủ.

Trên đây là biện pháp nhận biết và phòng trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên cây lúa. Bà con cần lưu ý áp dụng, từ đó quản lý tốt tình hình sâu bệnh hại trên cây lúa trong vụ Mùa 2019./.

Đức Thiện

Tệp đính kèm