Cập nhật: 13/08/2019 10:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện đang là cao điểm mùa mưa bão, vì vậy việc giữ an toàn cho các hồ đập trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo tính mạng, tài sản và sản xuất của nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 440 hồ đập lớn nhỏ, các công trình này đều do các Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi quản lý. Trong đó có 141 hồ đập, thuộc diện quản lý bởi Nghị định 114/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn hồ đập. Những hồ này trước đây đều do các xã và các Hợp tác xã quản lý nên còn nhiều tồn tại, người quản lý không có chuyên môn, không có quy trình, nên tình trạng xuống cấp, mất an toàn là có thể xảy ra.

Từ 2007 đến nay tỉnh ta đã đầu tư cải tạo nâng cấp trên 120 công trình. Qua kiểm tra đến thời điểm này các công trình này cơ bản an toàn. Tuy nhiên để đảm bảo  an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy lợi trong đó có các hồ đập trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân thường xuyên theo dõi kiểm tra xử lý và ứng phó kịp  thời với các tình huồng xấu có thể xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ. Theo đó công tác chuẩn bị kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được các đơn vị hoàn thiện trước mùa mưa bão. Đồng thời các vật tư, vật lực cần thiết như cát đá, lưới thép, bao tải, áo phao, máy phát điện dự phòng cũng phải được chuẩn bị chu đáo và tập kết tại những vị trí xung yếu để kịp thời sử dụng khi có tình huống xấu xảy ra. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức ứng trực thường xuyên vào thời gian cao điểm tại những vị trí xung yếu và  tổ chức diễn tập ứng phó để không bị động trước tình huống xấu có thể xảy ra

Các hồ chứa thủy lợi ngoài nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đời sống dân sinh kinh tế của người dân trong vùng, còn có nhiệm vụ cắt lũ, giảm úng cục bộ cho vùng hạ lưu, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường trên địa bàn. Trong quá trình khai thác, vận hành, các hồ, đập đã thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng; công tác đảm bảo an toàn cho các hồ đập luôn được Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, Sở Nông nghiệp & PTNT và các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Là đơn vị trực tiếp quản lý khai thác nhiều công trình thủy lợi hồ chứa xung yếu trên địa bàn nên Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị vật tư đảm bảo công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn. Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh, trong đó lấy phòng, chống là chính”. Từ đầu năm đến nay, công ty tập trung sửa chữa các công trình hư hỏng, nạo vét 100% tuyến kênh cấp I, II; công tác tu bổ, bảo dưỡng vận hành thử hệ thống hồ đập và máy móc thiết bị được tiến hành khẩn trương; thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Cùng với đó công tác chuẩn bị vật tư cần thiết cũng đã được công ty thực hiện.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Phúc Yên hiện đang quản lý, khai thác vận hành 20 hồ đập, trong đó có 2 hồ lớn là hồ Đại Lải và hồ lập Đinh. Đến nay, cao trình mực nước ở 2 hồ lớn là Đại Lải và Lập Đinh chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, đối với hồ Lập Đinh, thời gian tới, nếu tiếp tục có mưa nhiều thì mực nước bắt đầu vượt qua ngưỡng tràn. Còn hồ Đại Lải, 6 năm trở lại đây việc điều tiết không còn theo quy luật nên mỗi năm Công ty Thủy lợi Phúc Yên phải xả lũ một lần. Để đảm bảo an toàn hồ đập Công ty đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Xí nghiệp thuỷ lợi, lực lượng của địa phương tuần tra canh gác, thường trực ngày đêm chủ động nắm được diễn biến của thời tiết, mực nước các hồ báo cáo kịp thời cho BCH PCTT&TKCN tỉnh, Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT và thường trực PCTT&TKCN các huyện trong suốt mùa mưa bão. Chỉ đạo công tác phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ: Nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư kỹ thuật tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Đồng thời, tổ chức cho bảo dưỡng bộ phận vận hành cống, tràn.

Hiện tại do mưa nhiều nên phần thân đập ở hồ Lập Đinh xuất hiện hai vùng thấm ướt, diện tích mỗi vùng thấm khoảng 25m2; đáy tràn xả lũ bị dò nước tại 4 vị trí (2 bên vai tràn và 2 chân trụ đỡ cầu), phần tiếp giáp tường cánh thượng lưu tràn với mái đập bê tông có hiện tượng lún, tách bê tông từ 5-7cm. Qua kiểm tra, Công ty Thủy lợi Phúc Yên đã chủ động sửa chữa hư hỏng nhỏ; bảo dưỡng các máy đóng, mở điều tiết cống lấy nước, sơn cột thủy trí các hồ Lập Đinh, Thanh Cao; phối hợp với xã Ngọc Thanh giải tỏa vật cản đăng đó làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ ở các hồ Đồng Câu, Trại Trâu, Thanh Niên...

Đối với hồ Đại Lải, đây là hệ thống chứa liên hồ gồm các hồ: Đại Lải, Thanh Cao và Đồng Câu. Hiện tại, các công trình đều ổn định, không có sự cố, đảm bảo cho việc phòng chống lụt bão. Tuy nhiên, do trong lòng hồ Đại Lải có một số dự án đang triển khai nên ít nhiều ảnh hưởng đến dung tích phòng lũ của hồ và phải điều chỉnh mực nước điều tiết lũ. Cụ thể, vào các tháng 6, 7, 8 và 9 mực nước không được cao hơn cao trình +20,50m; tháng 10 và tháng 11 mực nước không được cao hơn cao trình +21,00m để đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ, đập trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nguy cơ mất an toàn, dẫn đến tràn, vỡ hồ, đập trong mùa mưa lũ chủ yếu nằm ở các hồ, đập có dung tích dưới 1 triệu m3, đặc biệt là các hồ, đập ở các huyện miền núi như: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo. Các hồ, đập này đều nằm ở vùng cao, có độ dốc lớn, tập trung dòng chảy nhanh nên khả năng trữ nước nhỏ tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập rất cao khi có mưa, lũ lớn. Vì vậy việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ cần được các cấp ngành, địa phương và người dân quan tâm thực hiện.

Đức Thiện

Tệp đính kèm