Cập nhật: 12/09/2020 13:58:00
Xem cỡ chữ

Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 4 tháng 11 năm 2011 về phát triển dịch vụ du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 -2020, nhất là công tác quy hoạch, phát triển vùng du lịch dịch vụ trọng điểm đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Triển khai, thực hiện nghị quyết, Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển dịch vụ du lịch giai đoạn 2011-2020, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, cơ chế, chính sách và đang phát huy hiệu quả. Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch phát triển các ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành, thị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội ngày càng được quan tâm đầu tư.Các cấp, các ngành trong tỉnh nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của phát triển dịch vụ, du lịch trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chất lượng một số ngành dịch vụ ngày một nâng lên,... góp phần không nhỏ vào phát triển ngành dịch vụ. Một số cơ chế chính sách được ban hành bước đầu phát huy tác dụng góp phần vào việc thực hiên  nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ trong GRDP.

Cụ thể, đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch, có 03 chỉ tiêu đã đạt được 2 chỉ tiêu là: đón khách nội địa và số lượng lao động trong ngành du lịch; còn 01 chỉ tiêu chưa đạt đó là đón khách quốc tế. Nhờ có những chủ trương và chính sách phát triển phù hợp, đến nay cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch của tỉnh được cải thiện đáng kể. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu du lịch có tầm cỡ như Tam Đảo 1, Flamingo Đại Lải Resort, Khu di tích danh thắng - lễ hội Tây Thiên, FLC Vĩnh Thịnh - An Tường, Sông Hồng Resort, Paradise Đại Lải Resort... Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai khu Tam Đảo II, FLC Vĩnh Phúc Resort giai đoạn 2, khu vực đầm Sáu Vó… Qua đây sẽ từng bước tạo nên chuỗi cơ sở hạ tầng hiện đại với nhiều sản phẩm du lịch có giá trị đóng góp vào tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh trong thời gian tới. Số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú du lịch tăng lên đáng kể. Đồng thời, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng và ban hành các đề án liên quan đến việc kiện toàn bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, tiến hành xúc tiến, quảng bá du lịch, tham mưu đầu tư hạ tầng du lịch nhất là ở các khu du lịch trọng điểm.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lĩnh vực dịch vụ, du lịch của huyện  Tam Đảo đã có những bước phát triển toàn diện. Công tác quy hoạch và thu hút đầu tư được quan tâm. Đã hình thành một số khu du lịch trong điểm như: Khu du lịch Tam Đảo, Khu di tích danh thắng Tây Thiên, sân golf Tam Đảo…; việc phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh của hyện như: Du lịch tâm linh, tín ngưỡng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng… gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội và du lịch từng bước được đầu tư mới, công tác quảng bá, tuyên truyền hình ảnh du lịch Tam Đảo được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Có thể khẳng định Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển dịch vụ du lịch giai đoạn 2011-2020 đi vào cuộc sống đã làm thay đổi diện mạo ngành dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh. Các địa phương trọng điểm phát triển du lịc của tỉnh đã thực sự tạo sự thay đổi toàn diện và sâu sắc kinh tế du lịch theo hướng tích cực và lấy đây làm một trong những tiền đề và mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình. Thành phố Vĩnh Yên - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã phát tận dụng tiềm năng, cơ hội để phát triển mạnh  mẽ kinh tế du lịch dịch vụ. Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết cũng đã góp phần giúp thành phố Vĩnh Yên từng bước hoàn thiện hạ tầng lưu trú và hoàn thiện quy hoạch đô thị theo định hướng phát triển kinh tế xã hội chung của toàn tỉnh. Từ đây góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trên địa bàn và xây dựng thành phố Vĩnh Yên trở thành đô thị xanh, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được,  quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 01 vẫn còn những tồn tại, hạn chế:  Vẫn còn một số nội dung dừng lại ở Nghị quyết, chưa cụ thể hóa việc xây dựng cơ chế, đề xuất những cơ chế chính sách mới, dự án mới phục vụ trực tiếp cho phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, các điểm du lịch chưa có nhiều khu vui chơi giải trí, nguồn nhân lực phục vụ các điểm du lịch tại một số thời điểm và một số nơi còn thiếu, yếu về chuyên môn nghiệp vụ, do vậy chưa quảng bá hình ảnh, điểm nhấn của du lịch Vĩnh Phúc.

Để nghị quyết tiếp tục được thực hiện hiệu quả, thời gian tới cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách mới, xây dựng các đề án mới, dự án mới, công trình tạo điểm nhấn để thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch; đặc biệt là các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư cho Du lịch, đặc biệt là công tác quảng bá hình ảnh về du lịch Vĩnh Phúc phải hiệu quả, thiết thực có sức lan tỏa đến các tỉnh, vùng trong cả nước.Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược thực hiện đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Đức Thiện