Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt. Đây là nội dung quy định tại Nghị định 45/2022 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 12 năm 2024 nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Để bảo vệ môi trường và giúp người dân chấp hành, thực hiện đúng quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn, vận động Nhân dân thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.
Khái niệm phân loại rác thải sinh hoạt không phải bây giờ mới được đề cập đến. Do thói quen và mức độ ảnh hưởng thường không đong, đếm được nên phần lớn rác thải sinh hoạt trong Nhân dân chưa thực hiện phân loại triệt để. Đời sống kinh tế của Nhân dân mỗi ngày một tăng, đi cùng với đó lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường tăng theo.
Khi hầu hết các bãi rác đều trở nên quá tải, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống và cả hoạt động sản xuất nông nghiệp của Nhân dân, người ta mới nhận thấy có quá nhiều điều bất cập trong quy trình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Tại bãi rác, rác được đổ chộn lẫn, chôn lẫn, kể cả rác không thể phân hủy trong môi trường tự nhiên như: chai lọ thủy tinh, túi nilong, kim loại, cao su và cả chất thải nguy hại như: pin đã qua sử dụng, bóng đèn, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại, chất thải điện tử.
Một số ít địa phương có lò đốt rác thải sinh hoạt nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nào lượng rác hằng ngày, số còn lại chôn lấp và để lộ thiên. Đây là lý do dẫn đến quá tải bãi rác và là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước xung quanh khu vực bãi rác.
Sẽ không là quá muộn nếu mỗi gia đình, mỗi cá nhân cùng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường; thực hiện đúng quy trình xử lý rác thải. Bắt đầu từ hộ gia đình, mỗi thành viên đều phải nắm rõ quy định và thực phân loại rác tại nguồn.
Để giúp người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối kết hợp cùng với các ngành, các cấp tập huấn phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cho hội viên, Nhân dân. Theo đó, rác thải sinh hoạt được phân thành 4 nhóm chính đó là: nhóm chất thải tái chế; nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy; nhóm chất thải còn lại và nhóm chất thải nguy hại.
Mới đây, hội viên Hội phụ nữ huyện Yên Lạc đã được tham gia lớp tập huấn phân loại rác tại nguồn. Sở dĩ huyện Yên Lạc chọn đối tượng tập huấn là phụ nữ bởi phụ nữ thường chọn công việc dọn dẹp trong gia đình và tích cực tham gia công tác xã hội như: quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải công cộng. Thực tế cho thấy, ngay sau lớp tập huấn, Chi hội phụ nữ thôn Cổ Tích, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc đã phổ biến đến hội viên các quy định, chế tài được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Việc làm thường xuyên thành thói quen, rác thải trong mỗi hộ gia đình đều được phân loại trước khi thải ra môi trường; trong vườn, ngoài ngõ đã hạn chế rất nhiều các loại rác khó phân hủy như túi nilong, bao bì bằng nhựa. Định kỳ hằng tuần, hằng tháng các tổ phụ nữ đều quét dọn vệ sinh môi trường, cắt tỉa, chăm sóc đường hoa, cây xanh.
Theo Tiêu chí số 17, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 có quy định: tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn phải đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt từ 90%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định từ 98% trở lên.
Do vậy, trước khi áp dụng chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật, các địa phương muốn được côn nhận hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao phải hoàn thành tiêu chí môi trường. Để giải đáp bài toán này, tại huyện Yên Lạc đã có 1 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung với công suất xử lý 120 tấn rác/ngày. Ưu việt của Nhà máy này là rác được phân loại trước khi xử lý.
Trên thực tế, không phải địa phương nào cũng thuận lợi như một số xã địa phương trên địa bàn huyện Yên Lạc; rác được phân loại, thu nhận và tiếp tục được phân loại trước khi đưa vào quy trình xử lý. Phần lớn rác thải sinh hoạt hiện nay trong Nhân dân được chôn lấp và đốt thủ công. Chính vì vậy, trong quá trình tập huấn phân loại rác, điều người dân băn khoăn nhất là sau khi phân loại rác tại nguồn nhưng quá trình thu gom không được tách bạch. Đích đến của rác là các bãi tập kết và tại đây rác được đổ lẫn lộn như chưa được phân loại. Mong muốn của người dân, quy trình thu gom, vận chuyển rác cần được thực hiện đồng bộ. Đây cũng chính là bài toán đang được các cấp, các ngành phối hợp, triển khai thực hiện.
Trước khi đi tìm lời giải cho bài toán xử lý rác trên địa bàn tỉnh, mỗi hộ dân, mỗi cá nhân cần thực hiện tốt cuộc vận động hạn chế sử dụng đồ dùng làm bằng nhựa một lần, thực hiện tốt việc phân loại tại nguồn và sử dụng tài nguyên rác hiệu quả. Điều này góp phần giảm chi phí cho gia đình, giảm sự tác động đến môi trường sống của chính chúng ta cho hôm nay và mai sau.
Lỗ Hiếu