Cập nhật: 28/04/2024 09:47:00
Xem cỡ chữ

Vĩnh Phúc hiện có 28 làng nghề với trên 8.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 55.000 lao động nông thôn. Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, tỉnh tích cực hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất; đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ làm nghề đã tích cực đổi mới công nghệ, mẫu mã, nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo nên sức sống mới cho nghề truyền thống.

Thị trấn Thanh Lãng huyện Bình Xuyên có ba làng nghề mộc truyền thống gồm: Hợp Lễ, Yên Lan và Xuân Lãng. Thị trấn hiện có gần 2.700 lao động làm nghề mộc. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất từ các ngành nghề của địa phương đạt hơn 331 tỉ đồng, trong đó riêng giá trị sản xuất từ người làm nghề mộc đạt gần 170 tỉ đồng, chiếm hơn 50%. 

Nét đặc trưng của sản phẩm mộc truyền thống Thanh Lãng là sự tinh tế trong từng đường nét hoa văn và chất liệu gỗ luôn được lựa chọn kĩ càng nên đảm bảo chất lượng sản phẩm bền đẹp. Cũng vì thế, các sản phẩm mộc thủ công, mĩ nghệ của làng nghề nơi đây thường có giá thành khá cao.

Tuy nhiên, để cạnh tranh và duy trì phát triển làng nghề, mộc truyền thống Thanh Lãng dần vận động theo xu thế của thị trường, nhu cầu và thị hiếu khách hàng. Ở đây dần hình thành hai dòng sản phẩm mộc, một là những sản phẩm được sản xuất hoàn toàn bằng các thiết bị máy móc hiện đại, với số lượng lớn, sự đồng đều cao, giá thành hợp lí; hai là các sản phẩm thủ công cao cấp, với sự độc đáo riêng của từng sản phẩm, đáp ứng phân khúc khách hàng ưa chuộng những sản phẩm mang tính nghệ thuật, mang thương hiệu của nghệ nhân, người thợ tay nghề kĩ thuật cao.

Gia đình nghệ nhân Dương Quang Hoạt, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên có 5 đời làm nghề mộc truyền thống Thanh Lãng. Nắm bắt xu thế vận động của nghề truyền thống trong bối cảnh hiện tại, gia đình nghệ nhân đã phát triển song song hai dòng sản phẩm: thủ công và đại trà. Từ năm 2019, với nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ mua sắm thiết bị máy móc của Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất ở các làng nghề truyền thống, nghề tiểu thủ công nghiệp, gia đình nghệ nhân đã đầu tư hệ thống máy đục, trạm hiện đại, nâng số lượng sản phẩm lên gấp nhiều lần trước đó. Từ đó, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập của gia đình.

Ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh, các hộ làm nghề mộc truyền thống Thanh Lãng đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trên không gian mạng Internet. Các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Fanpage trở thành một kênh bán hàng hữu hiệu. Cùng với đó, việc áp dụng chi phí vận chuyển linh hoạt đã góp phần đưa sản phẩm mộc Thanh Lãng đến với khách hàng dễ dàng hơn.

Song song với thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng, ứng dụng trang thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất, các hộ sản xuất, kinh doanh mộc truyền thống Thanh Lãng không ngừng đổi mới mẫu mã, đa dạng sản phẩm, mang đến nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Tại các cơ sở này, vừa có những sản phẩm mộc trang trí để bàn tinh xảo, vừa có các sản phẩm đồ gỗ nội thất kích cỡ lớn với nhiều kiểu dáng, chất liệu. Và điều quan trọng nhất để giữ nghề, phát triển nghề dù trong hoàn cảnh nào là người làm nghề mộc truyền thống Thanh Lãng luôn đặt uy tín lên hàng đầu.

Sản phẩm mộc Thanh Lãng với kiểu dáng, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, nhiều sản phẩm đạt đến đỉnh cao về kĩ thuật, mĩ thuật, ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài. Không ít cơ sở đã đưa sản phẩm của làng nghề đến với thị trường rộng lớn trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, các hộ làm nghề mộc đã tích cực ứng dụng, sáng tạo các thiết bị xử lý bụi gỗ, bụi sơn, góp phần bảo vệ môi trường và tạo nên sự phát triển bền vững của làng nghề truyền thống.

Cùng với qui hoạch tổng thể về phát triển làng nghề, sự năng động, nhạy bén của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người làm nghề trong đổi mới công nghệ, tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng sản xuất và giữ được nét độc đáo, uy tín chất lượng sản phẩm chính là những yếu tố đưa các nghề truyền thống vượt qua khó khăn, ngày càng vươn xa.

Tại làng nghề rèn truyền thống Bàn Mạch của xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, từ sản phẩm được sản xuất thủ công, đến nay các hộ làm nghề đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nhiều hộ trong làng nghề vừa đổi mới công nghệ vừa chuyển hướng sản xuất các mặt hàng mới, kết hợp công nghệ khắc chữ tạo điểm nhấn, đưa sản phẩm rèn truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng đơn thuần mà còn trở thành sản phẩm cao cấp, là món quà tặng giá trị trong cuộc sống hiện đại.

Với sự bắt kịp xu thế, thị hiếu khách hàng, sản phẩm rèn của làng nghề truyền thống Bạn Mạch, Lý Nhân đã được tiêu thụ trong cả nước mà từng bước được xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Lào..., góp phần tăng thu nhập cho các hộ làm nghề.

Tuyết Minh