Hòa cùng với dòng chảy lịch sử dân tộc, Yên Lạc - vùng quê yên bình được nhiều người chọn để an cư lập nghiệp và hình thành nên vùng đất văn hóa Đồng Đậu. Họ đã xây dựng, hình thành, đóng góp bề dày phong phú, độc đáo của vùng văn hóa sông Hồng, đồng thời phát huy được các giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc.
Những thế hệ người Yên Lạc đã mang trong mình dòng máu của người Việt Nam với đầy đủ các giá trị đạo đức truyền thống: Yêu quê hương, đất nước; đoàn kết, anh dũng trong cải tạo thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; ham học hỏi và giàu lòng nhân nghĩa, thủy chung... Huyện Yên Lạc thuộc vùng đất cổ, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Những phát hiện của ngành khảo cổ qua 7 lần khai quật ở di chỉ Đồng Đậu thuộc thị trấn Yên Lạc đã chứng minh, từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, Yên Lạc đã có con người sinh sống. Đồng Đậu là một di tích khảo cổ rộng lớn, có tầng văn hóa dày vào bậc nhất nước ta, với số lượng hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng về loại hình và chất liệu. Từ đồ đá, đồ gốm đến đồ đồng. Những hiện vật ở Đồng Đậu cho thấy, nơi đây là một vùng đất cổ, cách ngày nay khoảng 3.500 năm, con người đã tụ hội sinh sống.
Cũng chính trong cái nôi văn hóa ấy mà bề dày lịch sử, văn hóa của miền đất ấy được các thế hệ con cháu tích lũy và lưu truyền. Là một huyện thuần nông, người dân trên địa bàn thị trấn Yên Lạc luôn lao động cần cù, chắt chiu nuôi con ăn học, nhiều người học rộng tài cao, làm rạng rỡ quê hương. Vùng đất địa linh nhân kiệt này là điểm sáng của truyền thống hiếu học, tinh thần ham học hỏi. Thị trấn Yên Lạc thời nào cũng có nhân tài, nơi đâu cũng có người thành danh khoa bảng; có những gia đình, cha con, ông cháu đều văn võ kiêm toàn, trở thành danh nhân văn hóa, danh nhân lịch sử của đất nước.
Dòng họ Nguyễn Cự được hình thành từ khi khai ấp lập làng. Trải qua hàng nghìn năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, các thế hệ tổ tiên, con cháu của dòng họ đã phát huy tinh thần vượt khó, hiếu học và bản tính cần cù, tích cực trong lao động, học tập. Cách đây 218 năm, dòng họ Nguyễn Cự đã xây được được Từ đường để thờ phụng tổ tiên và là nơi tổ chức các hoạt động của dòng họ.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự biến đổi của thời gian, những câu chuyện được truyền tụng ấy vẫn được ghi sâu vào ý thức của nhiều thế hệ trong dòng họ, trở thành niềm tự hào và động lực thúc đẩy sự tiếp nối, vươn lên mạnh mẽ trong hành trình xây dựng quê hương. Đặc biệt khi 3 tấm bia đá có niên đại từ thời Gia Long, năm 1805 được dịch nghĩa đầy đủ thì những câu chuyện truyền miệng càng trở nên xác thực hơn. Trong các thế hệ con cháu của dòng họ Nguyễn Cự có một người con tên là Nguyễn Lệnh Công- tự Trọng Điển đỗ đạt cao, làm quan trong triều Lê. Sang đến thời Nguyễn, ông xin về quê. Bằng những gì ghi chép và bức hoành phi còn lưu giữ lại trong ngôi nhà ông từng sống cho thấy, ông làm quan đến chức Tướng Sĩ Lang, trong triều nhà Lê Trung Hưng. Với những tước vị cao như vậy, nhưng dinh cơ của ông lại vô cùng giản dị. Ngược lại khi nhìn cảnh quê nghèo và lạc hậu, ông đã dành hết số tiền để xây trường học, xây cầu, đào giếng cho dân.
Đến thôn Đông, chắc chắn sẽ rất nhiều người thắc mắc bởi từ “ Điếm” được người dân nhắc đến khá nhiều trong đời sống. Đây thực chất là những trường học do ông Trọng Điển xây dựng, mới đầu được gọi là “Học Để”. Địa điểm đầu tiên chính là nhà thờ họ Nguyễn Cự hiện nay. Với kiến trúc 5 gian, gian giữa để thờ phụng tổ tiên và các gian bên cạnh để làm lớp học. Ông cũng đã dành ra 18 mẫu ruộng để làm kinh phí cho việc dạy học. Theo những gì ghi trong bia đá thì ông đã xây dựng tất cả 3 điểm dạy học trong thôn, trong đó hiện nay vẫn còn 1 điểm được người dân gọi “ Điếm Đông” nằm ngay cửa ngõ ra vào thôn. Và ở đây vẫn còn lưu giữ 1 tấm bia đá.
Cũng ngay chính giữa phía trước mặt của “Để Đông” hiện nay vẫn còn một giếng cổ do ông đào. Đây là một cái giếng được lát bằng đá xanh, là vị trí ngay trước ngôi làng với ý nghĩa phong thủy là một ngôi Sao Khuê mong muốn các thế hệ con cháu trong làng đều học rộng, tài cao. Giếng cổ đã gắn bó với đời sống và tinh thần của bao thế hệ người dân thôn Đông.
Để nhà thờ Để Đông được trường tồn với thời gian, trước khi mất ông đã để lại trăm quan tiền để làm quỹ chi dùng cho ngôi nhà “ Để”. Vì vậy những bậc thi sĩ, khoa bảng sau khi đỗ đạt đều đến thắp hương và truy niệm công lao của ông. Chính người dân nơi đây đã cùng nhau khắc một tấm bia tại nhà Để này để ghi nhớ công ơn.
Mưu Ngài mãi mãi, không như lão nông
Cửa ấp để ý, giếng xóm hết lòng
Ruộng thờ bố trí, miếu mạo góp cùng
Từ nay về sau, công đức mênh mông.
Cũng chính những việc làm của ông Nguyễn Trọng Điển đã góp phần xây dựng và đặt nền móng cho công tác khuyến học- khuyến tài của dòng họ Nguyễn Cự. Dù cho kinh tế khó khăn, dù cho trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử thì truyền thống hiếu học của dòng họ không bao giờ thay đổi.
Hiện nay, dòng họ Nguyễn Cự đã có 1 tiến sĩ, nhiều con cháu là học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và cả quốc tế. Hàng năm, quỹ khuyến học của dòng họ tổ chức vinh danh cho các thế hệ con cháu là học sinh giỏi, kịp thời động viên và khuyến khích các cháu thi đua học tập. Theo thời gian, dòng họ Nguyễn Cự đã có nhiều con em thành đạt, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Dòng họ Nguyễn Cự và những di tích lịch sử còn được lưu giữ đến ngày nay xứng đáng được bảo tồn và phát huy giá trị.
Thùy Chung