Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước. Sách “Truyền thuyết Hùng Vương” ghi sự tích hát Xoan như sau: “Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được, vợ vua Hùng nghe lời, cho mời nàng Quế Hoa đến. Quế Hoa vâng theo lời triệu, đến chầu vua Hùng. Bấy giờ vợ vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội, mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa vâng lời, miệng hát, tay múa, đi qua, đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt, khi cao khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún, ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sanh được ba người con trai khôi ngô đẹp đẽ, vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương, Quế Hoa hát chầu vợ vua Hùng vào đầu mùa xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là hát Xuân”. Sau này vì kiêng tên húy các vị thành hoàng ở một số làng nên hát Xuân được gọi chệch là hát Xoan. Từ đó điệu hát Xoan được truyền rộng rãi trong dân chúng, nhất là nam nữ thanh niên và được tổ chức thành phường hát, đi hát ở các đình, các lễ hội trong và ngoài địa phương. Mỗi phường xoan đều có một ông trùm đứng đầu. Ông trùm là người có kinh nghiệm hát Xoan và giỏi chữ Hán/Nôm. Phường Xoan luôn được duy trì từ 15 đến 18 người. Trừ ông trùm, các thành viên trong phường thường là thanh niên từ 16 đến 18 tuổi. Trong phường hát Xoan, người con trai được gọi là Kép, người con gái được gọi là Đào. Trong khi hát, Kép nam thường làm nhiệm vụ hát dẫn (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; Đào nữ thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp, hay múa,… Ngoài ra, khi phường Xoan được mời đến trình diễn nơi khác, trong phần hát hội còn có sự tham gia của trai, gái đại diện cho cộng đồng sở tại.