Từ xa xưa hình ảnh quen thuộc, thân thương và gần gũi như: Cây đa, giếng nước, sân đình đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt cổ. Đối với người dân đất Việt, giếng làng không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước mà đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của làng quê Việt Nam. Ngày nay, giếng làng không còn nhiều nhưng mỗi khi nhắc đến hình ảnh này, những hình dung về làng quê Việt Nam lại trở về dạt dào trong tâm thức mỗi người...
Bá Hiến xưa có tên là Tổng Bá hạ thuộc huyện Bình Lục nay là xã bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Một vùng đất cổ thuần nông bán sơn địa có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, đặc biệt tại đây còn lưu giữ một hệ thống giếng cổ bằng đá có giá trị.
Theo thống kê trong toàn xã Bá Hiến hiện còn 13 chiếc giếng cổ; trong đó có ba giếng còn nguyên bản, còn lại một số giếng hiện nay đã bị thay đổi về hình dáng. Có cái chỉ còn dấu tích, có cái bị lấp chỉ còn 1 tấm đá làm tang giếng, có giếng được xây lại tang theo hình tròn phổ biến như giếng ngày nay, nhưng xung quanh vẫn dựng đủ 4 phiến đá từng một thời là tang giếng. Nếu tính cả những chiếc giếng hiện đã bị vùi lấp, sụt lở thì ở Bá Hiến có khoảng 30 chiếc tập trung ở năm thôn: Bá Hương, Thích Chung, Thiện Chi, Quang Vinh và Bá Hạ... mỗi giếng đều có tên riêng như giếng Chùa, giếng Chung, giếng Tây, giếng Đông, giếng Nam, giếng Bắc, giếng Thượng, giếng Đoài. Các giếng cổ hiện còn lưu giữ được ở trên hiện vẫn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho dân làng được người dân Bá Hiến coi là "mắt của đất," là " trái tim của làng".
Do diện tích đất ở bá Hiến bị phân chia nhiều lần nên ngày nay giếng cổ ở Bá Hiến nằm ở các địa thế khác nhau, một số giếng cổ nằm ở ven đường đi, có chiếc lại nằm góc vườn, bờ ao thuộc phần đất của các hộ dân…
Theo một số cụ cao niên cho biết các giếng cổ này nằm ở nơi tụ thủy nên quanh năm có nhiều nước. Ngày xưa người dân Bá Hiến đã tìm thầy phong thủy về xem và họ đã tìm ra vị trí để đào giếng, cùng với đó là việc các giếng này được khắc chữ nho nên người dân Bá Hiến vẫn quen gọi những giếng cổ này là giếng Tàu. Năm 2011 các chuyên gia của viện Hán Nôm, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Vĩnh Phúc về nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử hình thành cũng như quá trình tu sửa giếng qua các thời kỳ lịch sử cho thấy trên các tang giếng đều còn dòng chữ nho mềm mại tinh xảo được tạo khắc qua mấy trăm năm dãi dầu mưa nắng, nhưng những dòng chữ này vẫn sắc nét, dễ đọc. Trong đó giếng cổ nhất còn ghi rõ niên đại xây dựng vào thời Hồng Đức và Đoan Khánh nhà Lê Sơ (cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16). “Hồng Đức nhị thập tứ, Quý Sửu tuế lục nguyệt tạo” (có nghĩa là giếng được làm vào tháng 6 năm Quý Sửu, năm thứ 24 niên hiệu Hồng Đức tức năm 1493), giếng có tuổi đời muộn nhất “Đoan Khánh nguyên niên tứ nguyệt thập tam nhật hạ Ất Sửu” (có nghĩa là giếng làm ngày13 tháng 4 năm Ất Sửu năm đầu niên hiệu Đoan Khánh tức năm 1505).
Như vậy có thể khẳng định các giếng cổ ở Bá Hiến có tuổi đời trên dưới 600 năm, được trùng tu “Sùng khang cửu niên tam nguyệt thấp nhất nhật trùng tu” (có nghĩa là trùng tu ngày 11 tháng 3 năm 1574, năm thứ 9 niên hiệu Sùng Khang thời vua Mạc Mậu Hợp. Qua đó khẳng định vào thời vua Lê Thánh Tông người Việt đã tìm đến nơi đây quần tụ, dựng làng lập ấp,con người muốn sinh sống ổn định thì phải có nguồn nước lâu dài, thế nên ông cha ta đã đồng thời với công cuộc lập làng là việc tạo ra nguồn nước bằng việc tạo nên những chiếc giếng độc đáo này. Bên cạnh đó ở Bá Hiến vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng: những chiếc giếng cổ ở đây có nhiều đặc điểm giống với giếng của người Chăm, cũng có thể vùng đất này xưa kia là nơi cư trú của người Chăm được vua Lê Thái Tổ đưa về đây an cư lập nghiệp.
Không giống các giếng ở vùng đồng bằng Trung Du Bắc Bộ, giếng cổ Bá hiến có cấu tạo rất độc đáo, các giếng về cơ bản có đặc điểm cấu tạo khá đồng nhất. Tang giếng ở Bá Hiến được tạo dựng bằng 4 phiến đá Sa Thạch hình chữ nhật màu xanh và vàng xám dựng đứng ghép khít với nhau bằng cá mộng, mỗi phiến đá làm tang giếng được gọt đẽo kỹ lưỡng, từng phiến có kích cỡ gần như nhau với chiều ngang khoảng 80 đến 100cm, chiều dọc khoảng từ 1,2-1,4m, các phiến đá đều có độ dày khoảng 10-15cm cứ 4 phiến đá như thế dựng lên ghép lại thành tang một chiếc giếng. Tang giếng có nhiều vết lõm nông sâu khác nhau các cụ cao niên cho biết đó là dấu tích của việc kéo nước cũng như mài dao, kiếm từ mấy trăm năm qua.
Các giếng cổ ở Bá Hiến đều có hình vuông, kích thước giếng cũng nhỏ gọn vừa phải, kiểu giếng dùng trong gia đình không phải là giếng làng. Đặc biệt giếng cổ ở đây không có tang, thành hoặc nếu có chỉ vài hàng gạch đá xây nhô lên từ 20-30cm với tác dụng ngăn nước mưa tràn xuống làm bẩn nước giếng như vẫn thấy ở một số giếng làng cổ khác. Phía dưới hình tròn, dưới tang giếng là những dãy đá hộc, đá cuội đá bọc to xếp ngay ngắn từ dưới lên trên quay ngang cắm vào làm cho thành giếng lô xô rất lạ mắt. Trong một lần nạo vét, người dân Bá Hiến đã phát hiện ở dưới các dãy đá cuội là cát, dưới lớp cát là hai tấm ván gỗ. Mặc dù trải qua hơn 600 năm, nhưng lớp gỗ không hề bị mục trong môi trường nước, những tấm gỗ dưới đáy giếng có tác dụng khử độc, loại bỏ các côn trùng có hại thông qua mạch nước ngầm phun từ dưới lòng đất lên. Người dân địa phương cho biết thêm khúc gỗ dưới đáy giếng nếu để nguyên, giếng luôn đầy nước, nhưng nếu dịch chuyển va chạm khiến thanh gỗ này chệch ra khỏi vị trí được người xưa cố định là hầu như giếng bị cạn nước, hai tấm gỗ đặt ở đáy giếng dùng để chấn giữ mạch nước của giếng. Giếng ở Bá Hiến sâu nhất cũng chỉ gần 5m tính từ miệng giếng xuống đáy, giếng nông nhất là 2m nhưng rất ít khi cạn nước. Nhiều cụ cao niên ở Bá Hiến khẳng định Thập niên 60 của thế kỷ trước là thời điểm có nhiều giếng cổ của làng bị lấp nhất, thế nhưng khi giếng cũ bị lấp xong, những giếng mới lại bị cạn nước không dùng được nên dân làng lại khơi đất lên để dùng giếng cũ. Đây là điều rất đáng khâm phục người xưa đã có những bí quyết đặc biệt khi tìm mạch nước để đào giếng. Vì vậy trừ chiếc giếng nơi cụm đình - chùa Giao Sam do nằm cạnh ruộng lúa nên vào vụ cày bừa, cấy hái, mạch nước giếng đã bị ảnh hưởng nên bớt trong, các giếng Bá Hiến còn lại đều có mạch nước ngầm rất rồi rào lại trong sạch, ngọt mát.
Một thời người dân địa phương do chưa hiểu hết ý nghĩa, cũng như giái trị lịch sử của các giếng cổ và tầm quan trọng của nguồn nước trong sinh hoạt hàng ngày lại coi các giếng này là tàn tích của chế độ phong kiến để lại, nên một số giếng bị phá bỏ hoặc lấp đi, thế nhưng khi lấp đi thì những giếng mới đều bị cạn nước không dùng được, nên người dân lại tìm đến những giếng cổ khơi đất lên và giếng lại có nước đầy ắp trở lại.
Một quần thể di tích văn hóa lâu đời tồn tại cách đây trên dưới 600 năm, như một chứng tích ghi lại dấu ấn văn minh làng xã của Việt Nam xưa. Với những thiết chế truyền thống: cây đa, bến nước, sân đình, hình ảnh giếng làng đã luôn hiện hữu, gắn bó góp phần làm nên lịch sử văn hiến của vùng đất Bá Hiến nói riêng của văn hóa làng Việt nói chung. Thế nhưng hiện nay quần thể di tích này đang đứng trước nguy cơ bị xuống cấp, chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự can thiệp của cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực di sản để bảo tồn những di tích quý giá trước nguy cơ bị hủy hoại theo thời gian. Nhằm lưu giữ cho đời sau những giá trị lịch sử văn hóa vô giá này và với người dân Bá Hiến những chiếc giếng cổ không chỉ đơn thuần là nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của nhân dân mà còn là một phần hồn quê cần được bảo lưu, giữ gìn cho hôm nay và mai sau.
Thúy Chinh