Vào những ngày mùa ở khắp các làng quê Việt Nam như được khoác lên một màu vàng óng của sắc lúa, của sợi rơm vàng. Trong khung cảnh thanh bình đó, là sự tất bật, rộn ràng của những người nông dân đang ánh lên nụ cười rạng rỡ của một mùa thu hoạch - thành quả lao động “một nắng hai sương” của cả gia đình. Những giọt mồ hôi nhỏ xuống đất ruộng như để cho những dé lúa thêm mảy hạt, trĩu bông để cho một ngày mới no đủ, sum vầy…
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, lúa là một trong những cây lương thực quan trọng bậc nhất không chỉ để nuôi sống con người, mà còn góp phần quan trọng hình thành nên nền văn minh nông nghiệp lúa nước - văn minh Sông Hồng rực rỡ. Đời lúa tuy mỏng manh nhưng dẻo dai, bền bỉ đã lưu giữ những hồi ức đẹp về bề dày và chiều sâu ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, qua các làng quê Việt Nam, cây lúa vẫn mãi như một chứng nhân đặc biệt kiên trì bám đất, bám làng, chứng kiến những thăng trầm của đất nước.
Đến hẹn lại lên, mùa lúa chín là kết tinh của những tháng ngày lao động vất vả “một nắng hai sương” của những người nông dân Việt Nam cần cù chống chọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Những bàn tay trai sần cầm cuốc, cầm cầy, những giọt mồ hôi mặn nồng đang hối hả chảy xuống ruộng đồng của những ngày nắng hạ như để kết tinh lại thành hạt lúa vàng óng, hạt gạo dẻo thơm mùi hương lúa mới.
Từ hạt giống qua “năm nắng mười sương” của người nông dân chân lấm tay bùn là cả một quá trình sinh trưởng dài lâu. Cũng giống như con người, cây lúa cũng rất cần sự nâng niu, chăm bẵm của người trồng để có được một vụ mùa bội thu. Từ hạt thóc đơn sơ qua quá trình ủ nứt mộng, dưới lớp thúng được kê, lót, tưới nước cẩn thận của các bà, các mẹ hạt lúa mảnh mai hôm nào giờ đã nứt hạt, mọc rễ, báo hiệu khởi đầu sự sinh sôi. Mầm lúa sau đó, đã được đôi bàn tay khéo léo, siêng năng của các bà, các mẹ nơi quê làng đem ra gieo hạt làm mạ, rồi cấy lúa. Sau những tháng ngày chăm bẵm bền bỉ, cây lúa bắt đầu sinh trưởng óng mượt đương thì con gái. Khi tiếng chim Tu hú gọi mùa, lúa bắt đầu trổ bông, hạt lúa nồng nàn ngậm hương thơm của sữa để kết tinh thành vỏ chấu non bao bọc, chở che cho hạt gạo trắng ngần, tinh khiết bên trong. Mùa hạ về, mang theo cái nắng nóng oi nồng, trong tiết trời gay gắt đó cũng là lúc cây lúa bắt đầu chín đỏ đuôi, và chỉ một tuần sau cả bông lúa đã chuyển sang màu vàng óng, báo hiệu mùa thu hoạch đã đến.
Từ sáng tinh mơ của ngày mùa, khắp các làng quê Việt Nam đã vang lên những âm thanh quen thuộc của tiếng gọi nhau, tiếng cười nói rôm rả của người làng rủ nhau ra đồng thu hoạch. Giữa biển lúa vàng, những dáng người lom khom tay cầm liềm đang gặt, người nhanh tay bó lúa, những người đàn ông khỏe mạnh thì hăm hở gánh kẽo kẹt trên vai những gánh lúa để xếp lên xe chất cao ngất ngưởng chở về nhà. Đường làng lúc này như được chải một tấm thảm màu vàng óng của lúa, của rơm rạ. Hình ảnh quê làng vào những ngày mùa thật bình dị, nhưng nồng ấm trong niềm hăng say lao động sản xuất, tạo nên một bức tranh muôn màu sắc về các làng quê Việt Nam muôn đời. Đây cũng là biểu tượng của sự ấm no, hạnh phúc của người nông dân Việt Nam siêng năng hay làm, luôn lạc quan, yêu đời.
Trên đồng ruộng thẳng cánh cò bay của các làng quê Bắc Bộ, vào những ngày mùa, luôn vang lên những giọng nói rôm rả, tiếng cười ròn tan trong niềm vui ngày mùa bội thu. Những gương mặt đen sạm vì nắng hạ nhưng luôn rạng ngời giữa nắng hè oi bức. Bóng dáng bao người lẩn khuất trong màu lúa chín, nón lá nhấp nhô góp thêm sắc màu làm mùa thu hoạch thêm rộn ràng, huyên náo. Niềm vui mùa gặt làm cho cuộc sống nơi thôn quê bỗng trở nên tươi vui và tràn đầy sức sống.
Cuộc sống giờ có nhiều đổi thay, tiếng kẽo kẹt của những gánh lúa trẫm vai năm nào giờ đã được thay bằng tiếng động cơ của cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang dần thay sức người trong lao động sản xuất, mang lại năng xuất lao động cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nơi quê làng dấu yêu. Cây lúa không chỉ giúp người nông dân có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà đã khẳng định được vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, khi xuất khẩu gạo của nước ta đứng thứ ba trên thế giới.
Mùa gặt cũng là mùa vui chơi của trẻ thơ Việt Nam, khi các em học sinh vào dịp nghỉ hè. Cùng với việc giúp cha mẹ việc đồng áng là bao trò chơi dân gian hồn nhiên được thể hiện rõ nét. Những buổi chiều quanh đống rơm mẹ, cha đang đánh đống, các em lại rủ nhau nô đùa với các trò chơi dân gian như: ú tìm, bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba… ấn tượng nhất là những ngày này các bé nhỏ thi nhau chạy tung tăng ngoài đồng đuổi bắt những chú muôm muỗm, cào cào đang bay trên những ruộng lúa chín vàng, cứ vài con lại xâu vào dé lúa. Cứ thế, đến gần trưa là trẻ nhỏ đã bắt được nhiều xâu muôn muỗn, cào cào béo ngậy như thế, đem về thổi lửa nướng ăn ngon lành trong tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo cùng năm tháng khôn lớn trưởng thành cùng chiều dài đất nước.
Những mùa gặt bội thu cứ nối tiếp nhau trong niềm vui rộn ràng của những người nông dân chịu thương, chịu khó, những tiếng cười trẻ thơ cũng mãi theo những mùa vàng đó mà dần khôn lớn trưởng thành, để mỗi khi mùa hạ về mỗi làng quê Việt Nam như được khoác lên mình một màu vàng rực rỡ của ngày mùa. Những hình ảnh giản dị, thân quen này sẽ mãi là hành trang để đưa chúng ta tới một chân trời mới rộng mở.
Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế
Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt,
Tình уêu bắt đầu từ đôi mắt
ngàу mai bắt đầu từ hôm naу…
Thúy Chinh