Cập nhật: 23/04/2020 09:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình từ lâu đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Trải dài trên dải đất hình chữ S thân yêu, là các ngôi đình mang đặc điểm kiến trúc nghệ thuật tinh xảo và gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân từng địa phương từ hàng nghìn năm nay. Vượt qua phạm vi công năng của một nơi để bàn việc làng, tổ chức cúng tế, hát xướng… những ngôi đình còn là chứng tích đối với chặng đường hình thành và phát triển của mỗi vùng quê.

Đình làng ở Việt Nam có niên đại sớm nhất dưới triều nhà Trần vào thế kỷ XIII, đình làng được hình thành như một thiết chế tổng hợp đa chức năng vừa là nơi thờ cúng, vừa là nơi diễn ra các hoạt động của làng. Chính vì vậy, đình làng bên cạnh sự uy nghiêm vẫn luôn có sự gần gũi ấm áp và thân quen đối với mỗi người dân.

Với vai trò quan trọng gắn với sinh mệnh của cả làng, đình làng thường được xây dựng tại những nơi có địa thế tốt theo thuyết phong thuỷ. Vì vậy, đình làng ở đâu thì tạo ra trung tâm làng ở đó, đồng thời, việc xây dựng đình làng luôn được thực hiện rất công phu, từ vật liệu đến từng chi tiết chạm khắc để thể hiện khát vọng mong muốn của người dân.

Hầu như ở làng xã nào ở vùng quê Bắc Bộ cũng có đình làng gắn liền với đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân địa phương, đây là nơi thờ thành Hoàng làng có thể là nhân thần hay nhiên thần, nhưng đều có công với quê hương, đất nước, được nhân dân tôn thờ trải qua nhiều thế hệ đến ngày nay.

Đình ở Vĩnh Phúc có dưới thời Hậu Lê thế kỷ XV, muộn hơn só với đình làng trong cả nước khoảng 2 thế kỷ. Trước đây, đình thường có 3 gian, 2 trái, gian giữa là nơi đặt bài vị thờ thành Hoàng làng. Đến cuối thế kỷ 17 trở đi đình làng ở Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng được bổ sung thêm toà tiền tế.

Cấu trúc đình làng hiện nay có 3 phần, gắn với 3 chức năng khác nhau: Sân đình là nơi sinh hoạt văn hoá của làng xã thường là nơi tổ chức các lễ hội và tiệc làng. Đại đình với chức năng sinh hoạt chính trị, là nơi dân làng thường tổ chức họp bàn mỗi khi làng có việc quan trọng. Thượng cung là nơi thờ thành Hoàng làng và cũng là nơi trang trọng nhất của đình làng nơi bầy bài vị, ngai, hương án và tượng của vị thần được thờ.

Như tất cả các đình ở vùng châu thổ Sông Hồng, đình ở Vĩnh Phúc thường được xây dựng to lớn bề thế theo kiểu chữ đinh, bên cạnh đó, còn có một số địa phương xây dựng đình theo kiểu chữ nhất, chữ nhị, chữ tam, chữ công, chữ quốc với kiến  trúc cầu kỳ, gia cố bền chắc. Toàn bộ vật liệu làm đình đều bằng gỗ tốt, chủ yếu là gỗ lim được kén chọn cẩn thận cả về kích thước và độ già của gỗ.

Đình làng Thổ Tang, thuộc thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường thờ danh tướng Phùng Lân Hổ, có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ 13, là một trong những ngôi đình được xếp hạng Quốc gia sớm nhất ở Vĩnh Phúc. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đến nay còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiểu thức kiến trúc thời Hậu Lê.

Đình được xây dựng từ thế kỷ XVII với quy mô lớn đồ sộ gồm hai toà kiến trúc bố cục theo hình chữ “Đinh”. Đại đình 5 gian, 2 dĩ, 6 hàng chân; hậu cung 2 gian. Toàn đình có 60 cột, làm bằng gỗ tốt. Kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ, chồng rường giá chiêng, gia cố bền chắc.

Hiện nay, Đình còn 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế được thể hiện trên các thành phần kiến trúc thân kẻ, thân bẩy, thân rường nội dung phong phú khái quát về chu trình lao động, làm ăn, hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân ta thời Lê Trung Hưng. Đây là một trong những ngôi đình đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian thời Hậu Lê, vì vậy, nơi đây luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giới khoa học và sự quan tâm bảo vệ tu bổ của chính quyền và nhân dân địa phương.

Nằm trong nghệ thuật điêu khắc đình làng ở châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. đình làng Vĩnh Phúc có một vị trí đặc biệt, nơi lưu giữ mảng đề tài điêu khắc gỗ phong phú trên các bức cốn nong, cốn nách, chiếc bẩy, con rường… đều được các nghệ nhân xưa trang trí, làm mềm mại và đẹp hơn cho phần kiến trúc vốn cứng cáp thô mộc của đình làng.

Bên cạnh đó, những bức chạm khắc có người ở đình làng Vĩnh Phúc còn giống như một tấm gương phản ánh một cách trung thực, sinh động xã hội đương thời.

Đi đôi với kiến trúc độc đáo, đình làng Vĩnh Phúc còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị về lịch sử, cũng như trong đời sống tâm linh của nhân dân, như Án thư, lư hương, hoành phi, câu đối; đặc biệt là các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó phần nhiều là dưới triều Nguyễn.

Hằng năm, các đình làng Vĩnh Phúc thường tổ chức lễ hội vào mùa xuân và mùa thu, trong đó đa phần là vào mùa xuân, tức là từ sau Tết Nguyên đán hết tháng 3 âm lịch; bên cạnh đó có một số địa phương trong tỉnh tổ chức lễ hội vào các ngày sinh và ngày hoá vị Thành hoàng mà nhân dân địa phương tôn thờ. Lễ hội không chỉ nhằm gắn kết các thành viên trong làng, trong mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, mà còn khơi dậy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” có tự ngàn đời của dân tộc Việt nam.

Lễ hội có 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn vị Thành hoàng làng mà dân làng tôn thờ, với các nghi lễ trang trọng như: lễ dâng hương, dâng lễ vật, đọc trúc văn và các nghi thức cúng tế… Phần hội được tổ chức với các trò chơi dân gian đặc sắc tại sân đình.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, đình làng Vĩnh Phúc nói riêng, hệ thống đình làng Việt Nam nói chung vẫn mãi như là một minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo tinh tế và là nơi để mỗi người dân Việt gửi gắm niềm tin, tâm hồn của mình sau những tháng ngày lao động vất vả.

Mỗi di tích lịch sử dù lớn hay nhỏ, đều được hun đúc từ truyền thống Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, bản sắc cốt cách Việt Nam từ đời này qua đời khác gìn giữ, bảo vệ tu bổ và tôn tạo các di tích trong đó có đình làng cũng chính là chúng ta đang thực hiện thông điệp của tiền nhân gửi lại cho hậu thế hôm nay và mai sau.

Thúy Chinh