Cập nhật: 23/08/2019 10:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một mùa Vu Lan nữa lại về. Ngày lễ Vu Lan còn được hiểu là ngày báo hiếu - một ngày có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, nhắc nhở các thế hệ con cháu hãy luôn nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, tổ tiên cũng như những thế hệ người đi trước, mang giá trị nhân văn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Từ bao đời nay, những phong tục truyền thống của ngày lễ vu lan báo hiếu được người dân Việt nam truyền dạy lại cho nhau đời đời nối tiếp cho đến bây giờ. Tất cả những tục lệ đẹp của ngày lễ vu lan vẫn được nhiều gia đình cẩn thận gìn giữ và trong dịp này mọi người lại truyền tai nhau truyền thuyết về tấm lòng có hiếu đối với mẹ như Mục Kiền Liên. Câu chuyện về ngài Mục Kiền Liên tu hành thành công nhiều phép thần thông và qua đó biết được mẹ mình đang bị kiếp ngã quỷ, đang phải chịu đói khổ do khi còn sống bà ăn ở bạc ác, gian dối. Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ thoát khỏi kiếp khổ sở đó nên được phật mách bảo chuẩn bị đồ cúng lễ, nhờ sức mạnh của các vị sa tăng hợp nhất vào ngày rằm tháng bảy thì mới cứu được mẹ, Mục Kiền Liên làm theo và đã giải thoát được cho mẹ. Câu chuyện này đã giúp nhắc nhở mọi người không nên ăn ở bạc ác và phải biết báo ân, báo hiếu đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Trong dịp lễ vu lan này, các gia đình không chỉ chuẩn bị đồ lễ gia tiên mà còn đi lễ chùa để cầu mong cho những linh hồn đã khuất được siêu thoát. Còn với những người còn sống thì được cầu mong mạnh khỏe, hạnh phúc. Nhiều người dân tìm đến chùa còn là được nghe giảng về đạo hiếu và kinh phật hướng thiện để tấm lòng mình được thanh thản.

Vu lan là lễ lớn của đạo phật, bởi vu lan ca ngợi tinh thần đạo hiếu của người làm con, giáo dục tính từ thiện trong mỗi người, những buổi giảng về kinh phật luôn được dân đến dự rất đông. Điều này cho thấy ý ngĩa cuả ngày lễ vu lan rất được mọi người chú trọng.

Ở các làng quê Việt Nam với những nét mộc mạc đơn xơ, nhưng ngày lễ vu lan đến thì các công việc đồng áng được gác lại để tấm lòng hiếu đạo được trọn vẹn và sắm sửa chuẩn bị cho ngày lễ vu lan được chu đáo.

Năm nào cũng thế cứ đến ngày rằm là gia đình ông Lê Thành Công lại gác tất cả các việc khác lại để chuẩn bị cho ngày rằm tháng bảy, bởi với gia đình ông và người dân nơi đây thì ngày rằm tháng bảy là ngày quan trọng của năm. Cũng như những mọi miền quê khác, người dân nơi đây vẫn làm những tục lệ của ngày vu lan báo hiếu đến tổ tiên và các đấng sinh thành. Đến thăm nhà ông, mới thấy biết bao những tỉ mỉ của một mâm lễ tổ tiên. Mâm cơm lễ, chả mấy chốc được hoàn thành và thành kính dâng lên gia tiên cầu mong những điều tốt nhất cho người đã khuất. Tất cả những việc làm này mong muốn mang niềm vui đến cho bố mẹ ngay khi bố mẹ còn sống, khi cha mẹ còn hãy đối xử thật tốt để sau này khi bố mẹ khuất đi rồi không phải hối hận vì không báo đáp được công ơn. Tục lệ con cái báo hiếu bố mẹ thể hiện được những nét đẹp nhân văn, qua đó các phong tục được truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu. Trong mâm cơm sum họp, ai nấy cũng vui vẻ và có lẽ hạnh phúc nhất vẫn là những người làm cha, làm mẹ khi con cháu hiếu thảo sum vầy. Với những việc làm bình dị nhưng lại có được những ý nghĩa rất to lớn khi con cái biết nhớ đến bố mẹ thì đó là điều hạnh phúc lớn nhất.

Mùa vu lan về trên khắp các miền quê Việt Nam, nhưng mỗi nơi có môt tục lệ khác nhau. Tuy vậy, vẫn có một điểm chung đó là tấm lòng hiếu đạo và bên cạnh đó ngày rằm tháng bảy còn có một ý nghĩa hết sức con người đó là sá tội vong nhân. Trong ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm lễ để giải thoát cho những linh hồn chưa được siêu thoát được trở về chốn thiên đàng, dù đó không phải là những linh hồn thân thích trong gia đình, nhưng gia đình nào cũng vậy đều cầu mong cho linh hồn đau khổ được giải thoát. Mâm lễ chúng sinh này còn là đồ cúng để đãi mời những linh hồn còn lưu lạc. Tình cảm giữa con người với con người được thể hiện trong tục lệ này cho thấy nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

Xã hội Việt Nam từ ngàn xưa đã coi trọng con người biết hiếu thảo và nếp sống ấy đã mặc nhiên đã hình thanh nên đạo đức hàng đầu trong đời sống của dấn tộc. Mùa vu lan đã trở thành một tập quán đầy ý nghĩa nét đẹp phương Đông. Báo hiếu cha mẹ không phải đợi khi cha mẹ qua đời khuất bóng hay mỗi khi dịp vu lan về mà người biết báo đáp ân đức cha mẹ là người luôn luôn biết sống trong ý thức thành kính, tận tụy phụng dưỡng cha mẹ được an vui cả hai phương diện vật chất và tinh thần lúc cha mẹ còn sống ở bên mình để khỏi hối hận khi cha mẹ không còn nữa. Hãy trải tấm lòng rộng lớn yêu thương đến mọi người biết tôn kính lẫn nhau, chia sẻ khổ đau, đùm bọc lẫn nhau đem niềm vui đến với mọi người trong ý niệm xây dựng cuộc sống an vui, thực tại.

Thúy Chinh

 

Tệp đính kèm