Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình và bờ giậu trở nên quen thuộc, gần gũi. Nhiều người xa quê, gắn bó trọn đời nơi phố thị, hay sinh sống nơi đất khách quê người, mỗi khi nhắc đến quê làng dấu yêu thì dường như những gì thân thương, gần gũi, tin yêu nhất lại ùa về trong tâm thức mỗi người.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới mưa nhiều thuận lợi cho cây xanh và các hệ thực vật phát triển. Cộng đồng làng xã và sự gắn kết chặt chẽ giữa con người với thiên nhiên đã sớm tạo nên một diện mạo văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Một bầu trời mùa thu trong vắt, một vạt nắng chiều, một mái chùa cong đổ bóng trên cánh đồng, một vài bông súng trên giếng làng, một lời ru như rung lên trong sâu thẳm tâm hồn… đã đan dệt tành 2 chữ quê hương yêu dấu.
Ở quê, để làm ranh giới phân chia giữa nhà nọ với nhà kia, người dân thường dùng những bờ giậu. Bờ giậu thường được đan bằng phên tre, cắm cọc tre hay cọc gỗ có giăng dây chão hoặc dây thép nhỏ. Thế nhưng, bờ giậu là các loại cây bụi, cây nhỏ được trồng là phổ biến hơn cả, và vì vậy, các hàng bờ giậu mộc mạc quê nhà đã trở nên rất đỗi thân quen với hết thảy mọi người đã từng sinh ra và lớn lên dưới mái tranh quê nghèo. Các cây được trồng để làm hàng rào ngăn cách với các nhà hàng xóm là thèn đen, duối, thanh táo, ô rô…
Bờ giậu, hàng cau lặng lẽ tỏa hương trong ban mai tinh khiết phảng phất trong vườn cây, ngõ xóm còn có mùi hoa và mùi lá, những giậu cây không ngăn cách con người, không phá vỡ không gian liên kết trong cộng đồng làng xã, từ nhà này vẫn có thể nhìn sang nhà kia và có nhiều mối tình đã vương tơ trên đó.
Giậu cây không chỉ làm đẹp cho xóm làng, giậu cây còn làm mát mẻ cho bầu không khí và góp phần làm tốt hơn cho sức khỏe mỗi người. Trẻ em ở đây lấy vòm cây, vòm trời làm bạn không sợ cô đơn, không sợ bị nhốt trong nhà khi không có người lớn, chúng có nhiều thứ để chơi, để thân thiện hương hoa trong vườn, ngoài ngõ tỏa hương trong tâm hồn chúng, giậu quê không chia cắt quan hệ con người.
Ở làng quê Vĩnh Phúc hôm nay, những giậu quê xưa không còn nhiều xong ở một số địa phương vẫn còn lưu giữ được nét hồn quê đáng nhớ của một thời đã qua.
Được bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu, chúng tôi đã tìm về một làng quê mà ở đây một số gia đình vẫn còn giữ nguyên vẹn những hàng giậu cây như xưa. Vừa về đến đầu làng xã liên Châu, huyện Yên Lạc chúng tôi đã bắt gặp những hàng giậu cây xanh ngắt dưới những hàng cau tỏa hương thơm ngào ngạt. Trong ánh nắng mai trong trẻo làng quê hiện lên như một bức tranh thanh bình và thơ mộng, những hàng giậu cây không cao quá tầm mắt, không ngăn cách tầm nhìn đã tạo nên không gian rộng lớn liên kết giữa các gia đình.
Bờ rào của chốn quê khoe dáng hình muôn màu muôn vẻ. Đó là một hàng râm bụt biếc xanh, mùa hè cháy lập lòe từng chùm bông đỏ rực hay là hàng cây Ô rôn, cấy duối, cúc tần hay là bằng các loại cây hoa rực rỡ sác màu.
Mỗi khi chiều xuống, những người hàng xóm lại mời nhau qua nhà uống nước chè xanh kể chuyện tâm tình về đồng áng, mùa màng và cuộc sống xung quanh. Một bát canh cần, một dĩa bánh, một củ khoai, một chùm trái chín đưa biếu nhau qua bờ rào, thật gần gũi và cảm động biết bao.
Trở về làng quê yên bình ta lại có thể hít căng lồng ngực bầu không khí trong trẻo mát lạnh. Tuy không thể giàu có được với những vườn cau xanh mướt và ngào ngạt hương thơm, nhưng là chủ nhân của những khu vườn đầy hương hoa và một không gian rộng lớn trong lành, mát mẻ và sạch sẽ thì thật là điều đáng trân trọng. Một không gian liên thông từ trong nhà ra đến ngoài sân, ngoài sân giao hòa với vườn, ngoài vườn giao hòa với cánh đồng và dòng sông, đã tạo nên một không gian sống đáng mơ ước.
Xã hội càng phát triển, nhiều nhà cao tầng mọc lên tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, nhưng ở giữa trung tâm thành phố Vĩnh Yên nhộn nhịp, rực rỡ cờ hoa, ta vẫn có thể bắt gặp những bờ giậu cây xanh ở một số gia đình và một số nhà hàng, quán cà phê thay vì bức tường gạch vô tri là những hàng giậu cây xanh ngát.
Ở thành phố, nhiều người hoài niệm về một làng quê với những khúc giậu xanh xưa kia đã tự tay trồng cây trong chậu để làm cho con đường tuyến phố thêm một chút mát mẻ, và trên tất cả là cả là để được tìm về với những ký ức đã dsdi qua của một thời đáng nhớ.
Một không gian rộng mở và hài hòa, thanh bình và trong trẻo, mát lành và xanh mướt, làng quê ấy mãi mãi làm ta vẫn vương như những sợi tơ vàng vương trong ký ức. Qua bao nhiêu thăng trầm, qua bao nhiêu biến động của thiên nhiên của sự đổi thay, của xã hội làng quê vẫn trường tồn với những giá trị văn hóa được tích lũy qua hàng ngàn đời nay. Cuộc sống dẫu có thay đổi đến đâu thì làng quê vẫn giữ được môi trường trong sạch, không gian thoáng đãng, nơi sinh hoạt cộng đồng truyền thống, nơi mái đình, nơi cầu nguyện tâm linh trong tiếng chuông chùa và những tập tục văn hóa đã hình thành qua nhiều thế hệ.
Đi giữa quê nhà hôm nay, hầu như nhà nào cũng kín cổng, cao tường, chúng tôi thấy lòng bùi ngùi khi hình bóng của những bờ giậu mộc mạc, thân thương đã không còn nhiều nữa. Có thể trẻ con bây giờ bây giờ đều không biết bờ giậu là thế nào, bởi trước mắt chúng là những bức tường gạch khô cứng, nhưng với những người đã từng có những năm tháng gắn liền với những chiếc bờ giậu thân thương của một thời đã qua chắc hẳn đều thấy nao lòng, thấy nhớ nhung, thấy yêu và hoài niệm đến vô cùng.
Bờ rào thân thiện, bờ rào miền quê thật bình dị mà cũng thật thẳm sâu. Dường như giữa các bờ rào là những dải lụa xanh thắt chặt tình quê, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, là minh chứng xanh cho tình người nơi miền quê gốc cội…
Xin cảm ơn những người dân nơi miền quê bình dị đã giữ lại cho quê làng một nét văn hóa Thuần Việt, giữ lại cho luc trẻ một miền ký ức đẹp đẽ, để dẫu mai này đi đâu về đâu, dẫu cuộc sống trăm ngàn lần thay đổi vẫn có một chốn bình yên để trở về, để nương náu.
Thúy Chinh