Cập nhật: 23/12/2019 10:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trên hành trình phát triển vươn tới sự hoàn thiện, người Việt Nam nói chung, người dân Vĩnh Phúc nói riêng đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng to lớn. Trong đó, nhà ở không chỉ thuần túy giúp con người sinh tồn, mà còn được cha ông ta nâng tầm thành những giá trị văn hóa độc đáo. Những giá trị ấy không chỉ làm cho cuộc sống ngày càng văn minh, mà còn góp phần “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.


Ngôi nhà Việt truyền thống nằm trong không gian chung của làng xã, vì vậy, mặc dù có kết cấu tường rào, bức vách, tạo ra sự riêng biệt ấm cúng, nhưng đồng thời cũng đảm bảo được mối quan hệ tổng thể đối với cộng đồng. Cấu trúc của ngôi nhà truyền thống thường có nhiều kiểu, tuy nhiên: trong quá trình tìm hiểu về không gian xưa, chúng tôi được biết có hai kiểu cấu trúc cơ bản, đó là cấu trúc hình thước thợ (có nhà chính và nhà phụ) và cấu trúc hình chữ môn (là kết cấu nhà chính nằm ở giữa, hai bên có hai nhà phụ). Ngoài ra, còn có các kiểu nhà khác như kiểu nhà chữ đinh, chữ nhất, chữ công… v.v.

Đối với người Việt Nam nói chung, ngôi nhà chính là bộ phận cốt yếu trong khuôn viên của một gia đình. Nhà có bố cục gian lẻ 1, 3, 5 hay 7 gian cùng với 2 chái, rất hiếm nhà có số gian chẵn. Số lượng gian và chất liệu để làm nhà tuỳ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, hoặc điều kiện môi trường thiên nhiên xung quanh. Ngôi nhà được kết cấu đăng đối, vì là số lẻ nên gian chính giữa bao giờ cũng dành làm nơi thờ cúng và tiếp khách.

Bàn thờ được trang hoàng các bức hoành phi câu đối bằng chữ Nho hoặc chữ Nôm. Nếu chủ nhà ít có điều kiện về kinh tế, thì bàn thờ cũng phải là nơi trang trọng nhất để thờ cúng gia tiên. Ở những gia đình mà chủ nhà là trưởng chi, hoặc trưởng tộc thì bàn thờ được bài trí đầy đủ hơn với long ngai, bài vị… Đây cũng là một nét tín ngưỡng đặc sắc của người Việt Nam.


Trong ngôi nhà truyền thống, thường thì tam, tứ đại đồng đường (ba, bốn thế hệ cùng chung sống). Ngôi nhà có thể tồn tại vững chắc hàng trăm năm tuổi và được truyền từ đời này sang đời khác. Với quan niệm là một trong ba việc hệ trọng nhất của đời người (dựng nhà, cưới vợ, tậu trâu) nên việc làm một ngôi nhà hết sức được người Việt quan tâm.

Từ nguyên vật liệu có sẵn như gỗ, tre, đất cát ở từng địa phương, những người thợ tài hoa đã khéo léo tạo nên bộ xương của ngôi nhà bằng hệ thống mộng ăn khớp chắc chắn với nhau như mộng én, mộng đuôi cá… Tường nhà có thể bằng gỗ, xây bằng gạch, xếp bằng đá ong hoặc bằng bùn đất trộn nhuyễn với rơm trát lên với các hệ thống cửa “bức bàn” hay “cửa phố”. Mái nhà thường được lợp ngói âm dương với mái dốc thuần tuý, không trang trí cầu kỳ. Dưới mái là hàng cột hiên với các bức tường quét vôi trắng, tạo sự khiêm nhường, giản dị cho hình thức bên ngoài của mỗi gia đình.

Bao quanh ngôi nhà là các công trình khác như giếng nước, sân phơi, chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, ao thả cá, vườn tược, hàng rào và cổng. Người xưa đã biết bố cục trong khuôn viên của gia đình mình thành một chuỗi khép kín sinh hoạt cơ bản, hài hoà với môi trường, tạo điều kiện cân bằng để giữ thế ổn định chung.

Xã hội ngày càng phát triển xu hướng xây nhà theo hướng hiện đại sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong sinh hoạt. Tuy nhiên trong tâm thức của bà Thao, dù không còn giữ nguyên được hồn cốt của ngôi nhà 5 gian xưa, nhưng bà vẫn cùng con cháu tu bổ, tôn tạo lại trên chính khung nhà đó. Đối với bà không gian sống của ngôi nhà mang trong mình nét hoài niệm về những giá trị cổ xưa của dân tộc- những nét mộc mạc, dung dị đem lại cho gia đình bà một cảm giác ấm áp như được che chở, được sống đúng với con người và giá trị của mình.

Trong tâm trí của rất nhiều người được sinh ra và lớn lên ở các làng quê Việt Nam thanh bình, yên ả, thì một cái nhà gỗ, một cái sân gạch, một mảnh vườn… đều không phải điều lạ lẫm. Đôi lúc hình ảnh ấy lại hiện ra như dấu tích cho một thời văn hóa tươi đẹp. Tuy nhiên, bóng dáng của những ngôi nhà gỗ truyền thống ấy cũng đang dần vắng bóng, bởi sự phát triền của những vật liệu mới và nhu cầu sinh hoạt hiện đại. Và để lưu giữ lại một phần giá trị tinh thần ấy, trong những năm gần đây kiến trúc nhà cổ đang được rất nhiều gia đình phục dựng, đặc biệt là thế hệ trẻ, vì đối với họ phục dựng ngôi nhà xưa không phải để trú mưa, trú nắng, mà là phục dựng nơi nuôi dưỡng tinh thần, văn hóa, nơi để cho con cháu sau này có thể nhớ và tìm về với cội nguồn.

Cuộc sống hôm nay có nhiều thay đổi, nhưng điều đáng nói là trong sự đổi thay gấp gáp của cuộc sống hiện đại, con người hơn bao giờ hết lại nhớ thương về những căn nhà cũ xưa, để tâm hồn mình thấy bình an, để cuôc sống chậm hơn, bình dị hơn. Với một số người phục dựng lại không gian xưa cũ của cha ông còn là làm một điều gì đó cho thế hệ hôm nay, và cho cả mai sau./.

Thúy Chinh

Tệp đính kèm