Cập nhật: 23/03/2020 10:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ xa xưa cho đến tận bây giờ hội làng, tiệc làng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hoá không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê vào mỗi dịp Xuân Thu nhị kỳ. Mỗi tiệc mang một ý nghĩa, một sắc thái riêng, nhưng điểm chung nhất vẫn là sự hoài niệm tưởng nhớ người xưa, những người đã có công với đất nước, với địa phương, với dòng tộc. Đó chính là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá. Những di chỉ khảo cổ ở Lũng Hoà, Đồng Đậu... đã khẳng định: Vĩnh Phúc là một trong những cái “nôi” của người Việt cổ, là trung tâm của nước Văn Lang xưa.

Dấu địa linh được trải dài trên mọi miền quê Vĩnh Phúc ẩn hiện bên núi đồi, đồng ruộng, xóm làng, trong đại ngàn bao la, hùng vĩ với hơn 1.000 di tích, danh thắng. Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Vĩnh Phúc có một nền văn hóa mang bản sắc riêng, trong số đó phải kể đến là hoạt động lễ hội làng, tiệc làng. Tuy tiệc làng chưa phản ánh đầy đủ mọi mặt trong đời sống của một địa phương, song lại có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng dân cư. Tiệc làng đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở mọi miền quê Vĩnh Phúc. Nó như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, bừng chảy tràn trề trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân Vĩnh Phúc nói riêng...

Tiệc làng Xuân Thu nhị kỳ ở Vĩnh Phúc có rất nhiều trong đó có thể kể đến: tiệc làng Hội Hợp, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên; tiệc làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch; tiệc làng Thổ Tang, thị trấn Thổ Tang; tiệc làng Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường; tiệc làng Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương; tiệc làng thị trấn Yên Lạc, xã Đồng Văn huyện Yên Lạc…

Thường mỗi làng đều thờ một vị Thành Hoàng, đó là những vị Thần có công trong việc khai hoang, mở đất. Cũng có thể là một vị tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm đem lại sự bình yên cho xóm làng. Tiệc làng, hội làng được coi là thời điểm cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt. Theo thời gian, tiệc có vị trí quan trọng trong đời sống, trở thành nét sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần của nhân dân ở mọi vùng quê.

Qua tìm hiểu về thần tích, Đình làng Yên Lạc xã Đồng văn huyện Yên Lạc - được biết đây là ngôi đình thờ Đức thánh Tam vị đại vương Tạ Đương Đông cùng phu nhân là một danh tướng thời Hùng Duệ Vương thứ 18, có công chống quân giặc Thục mang lại bình yên cho nhân dân. Ghi nhớ công ơn của thần, nhân dân Yên Lạc đã lập đình thờ, thường xuyên hương khói. Và mỗi năm, nhân dân trong thôn Yên Lạc lại có trách nhiệm bầu ra một vị Chủ tế (hay còn gọi là cụ Mệnh). Nhiệm kỳ là 01 năm, người chủ tế có trách nhiệm nhận lễ của dân làng rồi chế biến các lễ Tiệc lớn trong năm để dâng lên kính thánh.

Tiêu chí để bầu cụ Chủ tế: phải là cụ ông, cao tuổi nhất trong số các cụ được các chi, các giáp tiến cử và phải đảm bảo tiêu chí: sức khỏe, không tang hiếu và còn cả cụ ông và cụ bà. Nếu như gia đình cụ Chủ tế (cụ Mệnh) trong năm không có tang lễ thì Tiệc tháng 9 âm lịch tiếp tục được dân cho chuẩn bị các lễ vật trong Tiệc Xuân tế . Còn nếu có tang lễ thì nhiệm kỳ còn lại sẽ do cụ khác đảm nhiệm.

Chúng tôi đã tìm đến xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc để tìm hiểu về nghi lễ mà gia đình cụ Mệnh được bầu trong năm 2019 - đó chính là gia đình cụ Khương Đình Khoa ở thôn Yên Lạc đúng vào ngày con cháu trong dòng tộc đều háo hức chuẩn bị lễ vật để tổ chức tiệc Xuân tế. Các lễ vật trong tiệc Xuân tế gồm có: Bánh Chưng, bánh dầy, chè kho, xôi oản, gà, cau trầu, hoa quả,… Thông thường, các lễ vật này do dân làng là các cụ cao niên  chuẩn bị và mang đến gia đình cụ Mệnh để chế biến. Lễ vật do các cụ cao niên, các trai làng, giai nhân của gia đình cụ mệnh đảm nhiệm và được hoàn thành vào trước ngày chính tiệc của dân.

Vào ngày chính tiệc các lễ vật được dâng lên kiệu để rước về Đình làng, lễ rước khiến làng quê nhỏ bé trở nên nhộn nhịp. Người tham gia lễ hội đông vui, các vãi tay mang cờ phướn, các đội kiệu thờ, kiệu bánh được xếp thứ tự… tiến về đình trong tiếng nhạc hội vui nhộn, tiếng cười nói râm ran, rộn rã của đoàn người kéo dài mấy chục mét. Vui nhất là những cô bé, cậu bé xúng xính quần áo mới chạy quanh để xem rước và được ông bà kể cho nghe về tục làm bánh kính thánh của làng mình… Sau khi dâng lên Thành hoàng làng, lễ vật sẽ chia cho dân làng thụ lộc. Thông thường chỉ có 4 bánh dầy to. Đại diện cho 4 giáp họ. Tuy nhiên, các gia đình cụ mệnh thường làm thêm để có đủ lễ vật chia thêm cho dân làng.

Tiệc làng là một nét đẹp văn hoá độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung, và mỗi vùng miền trên địa bàn tỉnh vĩnh Phúc nói riêng, cần được bảo tồn và phát huy, để các giá trị văn hóa trở thành nguồn lực to lớn, từ đó khơi dậy được niềm tự hào của mọi người đối với quê hương, đồng thời cũng nêu cao ý thức cho con cháu phải bảo vệ, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta đã để lại.

Thúy Chinh