Cập nhật: 23/11/2019 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên là địa phương hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa ẩm thực độc đáo, trong đó có món cháo se, bánh hòn. Một đặc sản ẩm thực bình dị nhưng vô cùng phong phú, đã bao đời gắn bó mật thiết với đất và người nơi đây.


Đã có một thời, người dân vĩnh Phúc thường truyền nhau câu phương ngôn “Mộc tứ xã - Ngõa ba làng”, ba làng nhắc đến ở đây chính là Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh, nay là thị trấn Hương Canh. Còn ngõa theo một số nhà nghiên cứu, chính là nghề thợ xây, thợ nề. Quả thật, ngày ấy Hương Canh nổi danh với nhóm thợ chuyên đắp trụ, cột đình, chùa rất tinh xảo. Ngoài ra, Hương Canh còn nổi danh với nghề làm gốm, đã có thời gốm Hương Canh có mặt ở hầu hết các làng quê vùng Bắc bộ. Bên cạnh đó, người dân Hương Canh còn có những sản vật, những món ăn mang dấu ấn của một vùng đất, đó là món “Cháo se bánh hòn” nức tiếng gần xa.

Ở Hương Canh từ xưa cho đến ngày nay, có lẽ hai món bánh hòn, cháo se đã vượt qua ý nghĩa của những món ăn thuần túy, với nó, người dân nơi đây như gợi nhớ về một quá khứ hào hùng, gợi nhớ về tình cảm ấm áp, tình đoàn kết của mọi người trong những ngày gian khó.

Bánh hòn, cháo se xuất hiện ở Hương Canh vào những năm cuối thế kỉ 18, khi ấy giặc xã diễn ra liên miên, Hương Canh bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, lương thực, trong làng dần cạn kiệt. Tuy nhiên, người dân trong làng vẫn đoàn kết một lòng tất cả từ người giàu cho đến người nghèo, đều đồng lòng nhường cơm sẻ áo, đoàn kết quyết tâm bảo vệ quê hương và cũng trong hoàn cảnh khó khăn tưởng như không thể vượt qua ấy, hai món bánh hòn, cháo se đã được ra đời để chống đói cho quân và dân trong làng. Các cụ bô lão trong làng đã gom tất cả số gạo còn lại trong làng để giã nhỏ ra làm bánh, số bột còn lại sẽ đem nấu cháo để húp chống đói. Mọi người cũng cho rằng bánh nặn to thì người ăn càng có cảm giác được ăn nhiều, càng rỗng vỏ thì càng ít bột vỏ hơn. Do đó bánh luôn được nặn rỗng và cho nhiều nhân, nhân bánh là hành tươi và mộc nhĩ trộn với muối, những thứ gia vị ấy luôn có sẵn trong vườn nhà.

Ngày nay ở Hương canh, tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng hai món bánh hòn, cháo se vẫn giữ được nguyên những nét thuần chất ban đầu. Khâu làm bột có lẽ là quan trọng nhất, gạo để làm bột cháo se, bánh hòn phải là thứ gạo tẻ ngon nhất để dành từ vụ trước cho giảm độ dính, sau khi đã ngâm nước độ vài tiếng, gạo được đem đi xay thành bột. Nếu như trước đây người dân Hương Canh thường xay, sát gạo bằng cách thủ công, thì nay máy móc đã giúp người làm nghề đỡ tốn sức lao động hơn nhiều. Bột mịn đã dây kỹ vẩy nước cho đủ độ ẩm rồi đem hấp cho chín đều, bột hấp chín tiếp tục được chộn đảo kỹ cho thật dẻo, dẻo cho đến khi cầm viên bột kéo dài ra mà không bị gãy đứt là được. Từng hòn bột nhỉnh bằng quả ổi con, dẻo quánh được nặn mỏng, rỗng khum miệng chén; nhân hành có thêm mộc nhĩ, nấm hương, thịt lợn nạc băm vụn xào chín cho vào giữa, rồi vuốt nặn bịt kín miệng lại, xong xuôi bánh cho vào hấp, cứ như thế món bánh hòn, cháo se đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân Hương Canh.

Sau khi làm bánh, số bột còn lại được chộn với nước sôi nhào cho đều, sau đó bột được để lên hai tay se lại cho chảy xuống từ từ, khi lăn nhẹ hai tay bột ướt dần dần chảy từng sợi nhỏ vào nồi cháo đang sôi, xuống đến đâu bột chín đến đó không chìm mà lơ lửng trong nồi cháo. Vì bánh được nặn tròn to lại rỗng bên trong nên người ta gọi là hòn, cháo phải dùng hai tay để se bột thành sợi nên gọi là cháo se, với cách làm ấy, dân làng Hương Canh đã cùng vượt qua những ngày tháng gian khó nhất và cũng từ đó cháo se, bánh hòn trở thành hai món ăn truyền thống của người dân nơi đây.

Hàng năm cứ nhằm ngày 29 tháng 4 âm lịch là ngày giỗ chung của cả làng, người dân Hương Canh lại làm bánh, nấu cháo trước là để cúng vong nhân, sau cùng nhau ăn để nhớ lại ngày dân làng cùng bên nhau chống giặc.

Mỗi dịp lễ, dịp tết anh em, con cháu tụ họp đông đủ thì các gia đình lại làm bánh hòn, cháo se để chiêu đãi mọi người, khi ấy đại gia đình với các thế hệ lại cùng nhau quây quần bên mâm cháo se, bánh hòn đang nóng hổi để cùng thưởng thức hương vị ngọt của bát cháo se hay vị thơm ngon của chiếc bánh hòn đã thấm đẫm hương quê.

Mỗi sớm mai ở chợ đầu làng, những quán hàng bán cháo se, bánh hòn lúc nào cũng đông khách, từ người già cho đến trẻ con, đã là người Hương Canh có lẽ không ai lại không thích món cháo se, bánh hòn món ăn truyền thống, món ăn thấm đẫm tình quê hương, thấm đẫm tình làng nghĩa xóm đã đi theo người dân nơi đây trong suốt cuộc đời./.

Thúy Chinh

Tệp đính kèm