Từ bao đời nay, chùa, đình, đền đã gắn bó với tín ngưỡng đời sống văn hoá tâm linh của người dân Việt Nam. Trải dài trên dải đất hình chữ S thân yêu, là các ngôi chùa mang đặc điểm kiến trúc nghệ thuật độc đáo và gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân từng địa phương từ hàng nghìn năm nay. “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Từ khi du nhập vào Việt Nam, đạo phật đã đồng hành với dân tộc ta qua bao thăng trầm của lịch sử. Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hoá phong phú và độc đáo của dân tộc những di sản về văn hoá, vật chất, tinh thần có giá trị như kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc cùng những giá trị về tư tưởng đạo đức, về văn học và nhiều nghi lễ phật giáo khác.
Những di sản văn hoá Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hoá của dân tộc với những đặc trưng giản dị, hài hoà và gần gũi. Một trong những đóng góp quan trọng của văn hoá phật giáo không thể không nhắc tới những ngôi chùa với những nét kiến trúc rất đặc biệt mà cũng rất gần gũi và gắn bó với mỗi người dân Việt Nam. Qua thời gia năm tháng, trong tâm thức mỗi người, mái chùa trở thành nơi “che chở hồn dân tộc”. Đó là lý do trong vô vàn nỗi nhớ của những người con Phật khi đi xa, nỗi nhớ về ngôi chùa mình từng gắn bó là nỗi nhớ trong trẻo mà da diết nhất. “Chùa là bùa làng, có bạc có vàng không bằng làng có chùa” những quan niệm đó cho thấy chùa luôn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
Không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật, chùa còn là biểu tượng khát vọng của người dân. Sau những tất bật mưu sinh, đến chùa ai cũng cảm thấy sự bình yên, thanh tịnh trong tâm hồn. Chùa cũng là nơi ghi dấu những kỷ niệm thời thơ ấu những ngày được theo mẹ, theo chị lên chùa nghe nhà sư giãi bày lẽ thiệt hơn trong đạo đức làm người… Vì thế, dù có đi đâu, thì hình ảnh ngôi chùa cũng in đậm trong tâm trí, kỷ niệm của những người từng sinh ra và lớn lên ở làng, gắn bó với tiếng chuông chùa. Trong tâm thức người Việt, ngôi chùa còn thể hiện triết lý nhân sinh và tinh thần khoan dung, hoà hợp trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc. Chùa đáp ứng nhu cầu trong đời sống thôn dã, xóa đi khoảng cách bất bình đẳng trong sinh hoạt cộng đồng ở làng quê xưa.
Nếu như xưa kia, hầu như những gian trong đình chỉ dành cho nam giới, các bậc cao niên, các quan viên bàn “việc làng”, phụ nữ không được can dự, thì chùa chính là nơi dành cho các cụ, bà, các cô thôn nữ và trẻ em được theo bà, theo mẹ đến chùa mà dân gian thường nói: “Trẻ vui nhà, già vui chùa ”.
Nhà thơ Tế Hanh đã từng viết:
“Tuổi thơ tôi là cả một đêm rằm
Trăng tỏ rạng sáng chầu quang đức Phật
Hồn thanh thoát chưa hề vương vật chất
Đồng vọng xa cùng nhịp tiếng chuông bay”.
Kiến trúc chùa cũng rất đa dạng, xong nhìn chung chùa ở Việt Nam thường được xây dựng trên thế đất đẹp: đất cao, tươi nhuận có dòng chảy hoặc hồ ao trước mặt, mặt chùa quay hướng Nam đó là hướng Bát nhã (trí tuệ). Bố cục mặt bằng của các ngôi chùa thường lấy sự cân xứng đăng đối làm phương thức chủ đạo. Các chùa được xây dựng từ thời Trần về sau thường được bố cục đăng đối theo một trục dài từ cổng Tam quan vào đến nhà tổ phía sau cùng. Các nhà thường được xây dàn hàng ngang một dãy, dân gian hay gọi là chữ nhất, hai hàng chữ nhị, ba hàng chữ tam. Có chùa được bố cục theo kiểu chữ đinh như chữ T, theo kiểu chữ công như chữ H nằm ngang hoặc kiểu nội công ngoại quốc, bên trong là chữ H nằm ngang và bên ngoài gồm các nhà bao bọc tạo nên một hình vuông hay chữ nhật.
Quần thể kiến trúc chùa ngoài việc bao gồm những dãy nhà còn có những kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao như các tháp, chuông và tháp chuông, lầu khánh và các bia cùng nhà bia. Vẻ đẹp của ngôi chùa Vĩnh Phúc hài hoà với cảnh quan và môi trường xung quanh, chùa mang một vẻ đẹp kín đáo, trầm mạc lắng đọng sâu trong tâm hồn mỗi người hướng về điều thiện. Hình ảnh ngôi chùa luôn hiện hữu trong tâm trí mỗi người như một điểm tựa thiêng liêng, như một chốn bình an, tin cậy nhất, vì lẽ đó mà hình tượng ngôi chùa cứ tự nhiên bước vào cuộc sống và tâm trí của người dân bình dị, thân thương, gần gũi và để rồi đi xa lòng người nhung nhớ khôn nguôi.
Vĩnh Phúc có không ít những ngôi chùa cổ đã được nhiều người biết đến, trong đó có một ngôi chùa đã tồn tại hàng trăm năm nay, đó chính là chùa Hoa Dương ở xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường. Là một trong những ngôi chùa có giá trị kiến trúc mĩ thuật dân gian tiêu biểu của chùa truyền thống Bắc Bộ ở Vĩnh Phúc, từ năm 1994 chùa Hoa Dương đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Cho đến nay, ngôi chùa vẫn lưu giữ được nhiều cổ vật, cho thấy ngôi chùa hình thành từ hàng trăm năm trước. Cùng với quả chuông ghi lại lịch sử của chùa, chùa Hoa Dương còn giữ nguyên vẹn bốn bức câu đối bằng chữ Phạn treo ở bốn cột chính của ngôi chùa cổ, ngày nay được đặt đối xứng trong ngôi Tam bảo. đặc biệt nhiều bức hoành phi cùng thời với những câu đối cổ vẫn được đặt trang trọng chính giữ ban Tam bảo.
Chùa Hoa Dương được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII là giai đoạn phát triển đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc kiến trúc chùa và đình làng Việt. Ghé thăm chùa Hoa Dương ta thấy ít ngôi chùa nào hiện nay còn có những bức chạm khắc trên gỗ mô tả đồ lễ dâng cúng phật như ở đây, mỗi bức mô tả một thứ gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, các tác phẩm điêu khắc gỗ cổ đã tạo nên giá trị nổi bật của chùa ngôi chùa. Đặc biệt trong đó hệ thống tượng gỗ tròn cổ được tạo tác từ gỗ mít già nguyên lõi với kỹ thuật công phu, tỉ mỉ đã trở thành linh hồn của ngôi chùa. Những pho tượng cổ cho thấy điều kiện phát triển khinh tế, sự tiếp biến văn hoá tín ngưỡng của người dân địa phương qua hàng trăm năm.
Mỗi dịp tết đến xuân về, chùa còn là địa điểm để mọi tầng lớp người dân trong làng đến lễ Phật cầu mong bình an cho gia đình. Đi lễ chùa đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân. Nhiều ngôi chùa, không chỉ thờ Phật mà còn thờ thần, thờ Mẫu, nên hội chùa là sự dung hợp tín ngưỡng tôn giáo và cởi mở của người Việt Nam. Điều đặc biệt là hội chùa thường được tổ chức cùng lễ hội truyền thống của làng, vào cùng một thời điểm. Sau khi lễ ở đình xong thì người dân lại đến chùa lễ Phật.
Người dân Việt Nam tiếp nhận Phật giáo không phải vì những giáo lý cao siêu, kinh viện mà chủ yếu là tư tưởng từ bi, bác ái, ứng xử hài hòa. Giữa vòng xoay của xã hội hiện đại, nhiều người hướng tâm hồn đến gần hơn nơi cửa Phật - vẫn là tín ngưỡng, là niềm tin. Ngôi chùa trong quá khứ và hiện tại là một thực thể sống động, giúp cho các thế hệ nhận thức và hiểu thêm về bản sắc văn hóa Việt Nam để từ đó thêm yêu, thêm quý Tổ Quốc mình./.
Thúy Chinh