Cập nhật: 31/03/2020 10:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nói đến Yên Lạc là chúng ta nói đến một vùng đất cổ, với cụm di tích Đền Gia Loan - Chùa Biện Sơn - Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, một biểu tượng văn hóa và là điểm đến hấp dẫn của đất và người Vĩnh Phúc nói chung, huyện Yên Lạc nói riêng. Vùng đất Yên Lạc anh hùng cũng đã sinh ra nhiều bậc hiền tài cho đất nước, trong đó có vị Trạng Nguyên đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc - Trạng nguyên Phạm Công Bình. 

Phạm Công Bình (chưa rõ năm sinh, năm mất) là người xã An Lạc, huyện Yên Lạc, Phủ Tam Đái, Tỉnh Sơn Tây xưa (nay là xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông vốn xuất thân từ con nhà nghèo nhưng có chí lớn, thông minh hơn người.

Phạm Công Bình đỗ đệ nhất Giáp khoa thi năm Giáp Tuất (1124) Triều Lý. Vì có công lớn với Triều Lý nên được ban Quốc tính (họ vua). Đến Triều Trần đổi thành họ Nguyễn. Các nhà viết sử về sau đều ghi ông theo các họ đã đổi như: Lý Công Bình hoặc Nguyễn Công Bình. Năm 1128 Nguyễn Công Bình được phong chức Thái uý (đứng đầu hàng quan võ), ông được cử cầm quân đánh dẹp giặc Chân Lạp thắng nhiều trận lớn vào các năm 1128, 1136… giữ yên bờ cõi phương Nam của Đại Việt.

Chiến công của Phạm Công Bình đều là các chiến công chống ngoại xâm, như các trận đánh: Tháng 2 năm Mậu Thân (1128) quân Chân Lạp vào cướp ở Nghệ An. Đó là ngày Giáp Dần, tháng giêng năm Mậu Thân, hơn hai vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An, quan thái phó Phạm Công Bình được cử đi đánh dẹp, ngày Quí Hợi thì bắt được chủ tướng và quân lính, sang tháng 3, Phạm Công Bình đem quân về kinh sư, dâng tù binh gồm 169 người. Phạm Công Bình là một quan văn, ở vào bậc đại thần của Triều Lí. Công lao phù tá đứng vào hàng tam công của Triều Lí, so với quan chế ban hành đời Lê Hồng Đức (1470), ông ở cương vị của hàng “chánh Nhất phẩm” triều đình...

Hơn 800 năm đã trôi qua, nhiều di tích lịch sử, con đường, tuyến phố trên khắp dải đất Việt Nam hình chữ S, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc đều vinh dự được mang tên Trạng Nguyên Phạm Công Bình.

Tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc có di tích Đền thờ ông. Đền được làm trên nền nhà cũ của gia đình ông và đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1992. Trải qua nhiều lần tu sửa đền được khang trang như ngày nay. Trong Đền bài trí đồ thờ uy nghi, đặc biệt có pho tượng Phạm Công Bình được tạc bằng gỗ sơn son thếp vàng trong tư thế ngồi oai phong, lẫm liệt thể hiện phong thái của một quan văn, học vấn uyên thâm đồng thời phong thái của một quan võ cương nghị đúng với sự nghiệp của ông. Bức hoành phi tại đền có ghi "Long đầu trọng vọng" có nghĩa là người đứng đầu nhà Lý được vua trọng vọng. Và đôi câu đối: "Sơn tỉnh Vĩnh Tường An Lạc địa - Lý Triều Trinh khánh Trạng nguyên  từ" (tạm dịch “Sinh ra lớn lên ở đất An Lạc, phủ Vĩnh Tường, Sơn Tây, đỗ Trạng nguyên Triều Lý”).

Trên địa bàn huyện Yên Lạc hiện có 3 ngôi trường được mang tên ông, đó là: Trường THPT Phạm Công Bình ở xã Nguyệt Đức, trường THCS Phạm Công Bình và trường Tiểu học Phạm Công Bình ở xã Đồng Văn.

Đường Phạm Công Bình có độ dài khoảng hơn 2 km, là con đường đẹp nhất thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc. Điểm đầu nối với đoạn đường đôi gắn kết với đường tránh Vĩnh Yên tại ngã tư Mả Lọ (Yên Lạc - Yên Quán - Trung Nguyên). Điểm cuối là nơi giao cắt với khu vực đường đôi thuộc địa bàn xã Tam Hồng và 1 tuyến đường đi xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường. Trên suốt chiều dài của con đường giao cắt với các tuyến đường nhấn quan trọng của trung tâm huyện như: Phạm Du, Nguyễn Khoan, Nguyễn Khắc Cần...

Có thể khẳng định rằng, trong quy hoạch tổng thể với những đề án về mạng lưới công trình giao thông đô thị, nông thôn, vùng miền của tỉnh Vĩnh Phúc những năm qua đã cho thấy: Việc mở thêm những con đường, tuyến phố để phát huy thế mạnh và khai thác thêm những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cũng như các huyện, thành, thị gắn với dòng chảy hội nhập của đất nước hiện tại và tương lai.

Đường Phạm Công Bình là một trong số những con đường trung tâm của huyện, đồng thời đây cũng là con đường đôi duy nhất của thị trấn Yên Lạc đưa các nhà đầu tư và du khách xa gần đến với huyệnYên Lạc - một miền quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, nằm trong cái nôi của nền văn hóa Đồng Đậu, nền văn minh lúa nước Sông Hồng; vùng đất hiếu học, nơi ẩn chứa bao tinh hoa của loại hình văn nghệ dân gian truyền thống như: hát Xoan, hát Chèo... mãi đắm say lòng người.

Trên suốt chiều dài của đường Phạm Công Bình có rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, trường học đang đóng chân như: Huyện ủy, Trung tâm VH&TT, Trung tâm GDTX, trường trung học phổ thông, trường trung học cơ sở, Bảo hiểm xã hội huyện... Đặc biệt trên con đường này sẽ đưa chúng ta đến với một ngôi đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, đó là Đền Bắc Cung hay còn gọi là đền Thính nằm trên địa phận xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc. Hằng năm, để tưởng nhớ đức Thánh Tản Viên - Vị thánh có công trị thủy từ thời vua Hùng, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương về trẩy hội...

Số hộ dân sinh sống trên đường Phạm Công Bình hiện có khoảng trên 30 hộ là người dân địa phương và những người dân ở các vùng lân cận hội tụ về đây sinh sống, lập nghiệp chủ yếu kinh doanh thương mại, dịch vụ phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân quanh vùng. Tất cả họ luôn đoàn kết thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và của huyện, quyết tâm dựng xây Yên Lạc ngày càng phát triển, giàu mạnh, để mãi xứng đáng là quê hương của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - Người mở đường cho tư duy đổi mới trong nông nghiệp; xứng đáng là quê hương vị trạng nguyên đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc.

Có dịp về với miền quê Yên Lạc, dạo bước trên con đường mang tên vị Trạng nguyên đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc, mỗi chúng ta đều cảm nhận rõ sự năng động và phát triển của một vùng đất cổ, với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, đó cũng chính là chất kết dính quan trọng để Yên Lạc hôm nay mãi tự hào là huyện về đích Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc. Tất cả đã và đang góp phần làm cho “bức tranh” của vùng đất và con người Yên Lạc ngày càng vươn cao, phát triển trong tương lai không xa.

Vũ Anh