Hơn 2 năm qua kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đội ngũ cán bộ, y bác sỹ ngành Y tế được ví như những “chiến binh áo trắng” xông pha mọi lúc, mọi nơi đương đầu kẻ thù vô hình Covid-19. Mặc dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, vất vả và hiểm nguy nhưng với tinh thần trách nhiệm người thầy thuốc Việt Nam “Lương y như từ mẫu”, các y, bác sỹ đã không ngại lăn xả, chiến đấu hết mình để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và đem lại sự bình yên cho Nhân dân.
Hơn 2 tháng nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 2 là khoảng thời gian không thể quên của Điều dưỡng Phùng Thị Tuyết, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Vĩnh Phúc khi lần đầu tiên chị phải xa gia đình và hai đứa con nhỏ trong thời gian dài ngày như vậy mà thời gian đó lại rơi đúng vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ở đây, công việc lúc nào cũng vội vã, căng thẳng khi số bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhập việc ngày càng tăng cao, trong khi nhiệm vụ của chị và các đồng nghiệp là chăm sóc những sản phụ và em bé sơ sinh trên nền bệnh Covid-19. Liên tiếp những ca chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp khi sản phụ có dấu hiệu chuyển nặng, cho nên mỗi cán bộ như chị Thanh luôn luôn phải sẵn sàng tinh thần nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào khi có lệnh từ cấp trên. Vất vả, áp lực và đôi lúc có những lúc nhớ nhà, nhớ con đến tận cùng nhưng chị vẫn cố gắng vượt lên tất cả hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Niềm vui và động lực duy nhất đối với chị Thanh cũng như các y, bác sỹ tại Bệnh viện Dã chiến số 2 đó là sau mỗi ca phẫu thuật, sức khỏe của những sản phụ và em bé sơ sinh ngày càng tiến triển tốt.
Cũng giống như Bệnh viện Dã chiến số 2 thì Bệnh viện Dã chiến số 1 cũng như nơi thử lửa của các y, bác sỹ. Hiện tại, Bệnh viện đang điều trị cho cho trên 140 bệnh nhân F0 có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, trong đó có 30 bệnh nhân nặng đang phải hỗ trợ thở oxy. Những bệnh nhân nặng đều rơi vào những người có tuổi lại có bệnh lý nền đều phải chăm sóc đặc biệt, thường xuyên phải theo dõi các chỉ số. Chính vì vậy công việc của đội ngũ y bác sỹ ở đây rất vất vả. Mỗi ngày ít nhất họ phải mặc trang phục bảo hộ 4 tiếng đồng hồ, thay phiên nhau chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ. Với mỗi bệnh nhân nặng phải thở máy, thì cần phải huy động nhiều cán bộ y tế hỗ trợ, công việc nặng hơn gấp 2-3 lần đối với điều trị bệnh nhân nhẹ. Tất cả các bệnh nhân ở đây được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, hỗ trợ về ô xy, chống viêm, chống đông, đặc biệt là liệu pháp về tâm lý, động viên bệnh nhân đỡ lo sợ , yên tâm điều trị, có nghị lực để vượt qua bệnh tật. Gạt sang 1 bên nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, các chiến sỹ áo trắng ở đây vẫn làm việc hết sức mình, không có chút thời gian nghỉ ngơi.
Không chỉ có lượng lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia công tác điều trị bệnh nhân F0 tại các cơ sở điều trị tập trung mà hơn 2 năm qua hàng ngàn cán bộ y tế tuyến cơ sở như y tá Nguyễn Thị Thanh, Trạm Y tế xã An Hòa, huyện Tam Dương cũng luôn phải căng mình để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương. Đặc biệt, sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, chưa khi nào số ca F0 trên địa bàn tỉnh lại vượt lên đến những con số hàng nghìn như bây giờ. Để giảm áp lực cho các cơ sở điều trị, các địa phương đã áp dụng việc điều trị F0 tại nhà, lúc này, công việc của những y, bác sỹ như chị Thanh lại vất vả hơn rất nhiều, khi bên cạnh việc lấy mẫu, truy vết thì các chị lại phải đảm nhiệm vai trò chăm sóc, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà. Hằng ngày xuống trực tiếp thăm khám, kiểm tra sức khỏe, tiếp xúc với rất nhiều F0 nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng chị chưa một lần nản chí, luôn cố gắng hết mình vì sự bình yên của Nhân dân.
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, những nhân viên y tế từ lãnh đạo quản lý đến đội ngũ bác sỹ hay những người điều dưỡng trên địa bàn tỉnh đều hòa cùng một nhịp, tạo nên những thanh âm về phẩm chất của những cán bộ y tế đã gác lại lợi ích riêng tư để vì sức khỏe cộng đồng. Họ đã sống đúng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” để chữa bệnh, cứu người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của Nhân dân bị dịch bệnh đe dọa. Đặc biệt vào những ngày nắng nóng nhất của mùa hè năm 2021, hàng trăm cán bộ y, bác sỹ của tỉnh lại xung phong lên đường vào tâm dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam để cứu chữa, giành lại sự sống cho đồng bào miền Nam ruột thịt.
Vất vả là thế, nhưng đằng sau những lớp khẩu trang in hằn lên khuôn mặt, những bộ quần áo bảo hộ bịt kín người là những nụ cười, là sự nhiệt huyết, sự tận tâm của những y, bác sĩ với công việc mà họ đã chọn. Những việc làm thầm lặng, tận tâm của họ trong suốt hơn 2 năm chiến đấu với dịch Covid-19 đã tạo nên những hình ảnh đẹp về “Người thầy thuốc Nhân dân”, tạo nên sức mạnh, niềm tin niềm tin để chúng ta cùng chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19./.
Thu Hoài