Xác định xây dựng văn hóa giao thông không chỉ là giải pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông mà còn góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) an toàn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2030”.
Theo đó, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế, nhằm hướng tới mục tiêu mỗi người dân luôn tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông; có thái độ hợp tác, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra tai nạn giao thông.
Từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu có hơn 75 nghìn lượt người dân được tiếp cận các tiêu chí VHGT an toàn qua các hình thức tuyên truyền; 85% dân cư trên các tuyến giao thông đường bộ được tuyên truyền và ký cam kết về VHGT an toàn; 95% học viên học lái xe tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe đều có nền tảng cơ bản về VHGT an toàn; 100% học sinh, sinh viên trong các nhà trường được giáo dục hành vi ứng xử có văn hóa, kỹ năng tham gia giao thông an toàn; giảm tối thiểu 80% các hành vi vi phạm về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm về chuyển làn đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vi phạm về các quy định sử dụng còi, đèn chiếu sáng, xe chở quá tải./.
Phương Liên