Hiện nay chuyển đổi số đang được thực hiện sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực thuộc mọi mặt của đời sống, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực đẩy mạnh thực hiện công tác này. Qua đây, góp phần giảm chi phí, nhân lực và nâng cao hiệu quả giá trị trong quá trình sản xuất để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Để đảm bảo quản lý tốt hoạt động sản xuất từ khâu gieo trồng đến chăm sóc, bảo quản và phân phối sản phẩm rau an toàn, Hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh xã Vân Hội huyện Tam Dương đã được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn áp dụng công nghệ thông tin gắn với cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Nhờ vậy, trên diện tích sản xuất rau quy mô hơn mười ha của Hợp tác xã được quản lý hiệu quả. Thông qua thực hiện chuyển đổi số tất cả các sản phẩm của đơn vị trước khi được cung ứng ra thị trường đều được dán tem nhãn để khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin về sản phẩm. Qua đây, giúp Hợp tác xã giảm chi phí nhân công, vật tư sản xuất đầu vào và tăng giá trị cạnh tranh cũng như chất lượng của sản phẩm, góp phần giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị hiệu quả hơn:
Áp dụng KHKT để thay đổi năng suất, năm 2020, bà Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường đã mạnh dạn thay đổi mô hình trồng cây ăn trái của mình. Bằng cách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại giúp cho khâu gieo trồng, chăm sóc thu hoạch thành quy trình khép kín, giảm thiểu sâu bệnh, ảnh hưởng thiên tai, thời tiết, áp dụng mùa nào thức ấy, mùa đông trồng dưa leo, mùa hè trồng dưa lưới, dưa lê. Hiện nay, diện tích mô hình của bà Yến đã lên tới 2ha trong đó có 6000m nhà lưới cho lợi nhuận hàng năm 400-500triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 6 đến 8 lao động thường xuyên. Bà Yến chia sẻ, mạnh dạn áp dụng nông nghiệp công nghệ cao thì đem lại hiệu quả gấp 10 lần so với nông nghiệp truyền thống.
Để thúc đẩy và nâng cao hơn nữa hiệu quả chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Nông nghiệp và một số đơn vị điển hình trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Qua đây từng bước lan tỏa và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực này để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong hoạt động sản xuất và kinh doanh nông sản.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích chuyển đổi số nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Trung ương, của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, người dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp và nông thôn. Qua đây, góp phần giảm chi phí, nhân công lao động và tăng giá trị sản xuất để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Đức Thiện