Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020, với chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, không chạy theo thành tích, huy động tốt các nguồn lực, nhất là huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới. 10 năm qua, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết nổi bật, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Xây dựng nông thôn mới đối với những người nông dân như anh Khuất Anh Tuấn, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường không phải là những khẩu hiệu, biểu ngữ hay điều gì đó quá xa xôi mà phải là những hành động thực tế. Và anh đã cụ thể hóa điều đó bằng việc đưa vào chăn nuôi những giống bò sữa nhập ngoại, cho sản lượng sữa cao và chất lượng sữa tốt, được các Công ty thu mua với giá cao. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 300-400 triệu đồng/năm. Hiệu quả từ việc chăn nuôi bò sữa chất lượng cao đã góp phần nâng cao đời sống vật chất cho gia đình.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Tường đã huy động nội lực với hơn 2.200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, Toàn huyện đã cứng hóa được hơn 630km giao thông nông thôn và hơn 210 km giao thôn nội đồng; 100% các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Cơ cấu nông nghiệp được chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tăng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua 10 năm xây dựng NTM, huyện Tam Dương đã huy động nội lực với hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, 100% số xã được quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch NTM; đường giao thông liên xã, liên thôn, giao thông nội đồng cơ bản được cứng hóa, nâng cấp. Hệ thống các trung tâm Văn hóa xã được xây dựng và phát huy hiệu quả; công tác lao động, giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo; triển khai cải tạo, xây dựng hệ thống cống, rãnh thoát nước thải ở khu dân cư trên địa bàn xã sẽ khơi dậy ý thức của mỗi gia đình, cá nhân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai kịp thời, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,66%.
Xác định Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Vĩnh Phúc đã thực hiện với quyết tâm chính trị cao, kiên trì, bền bỉ, có phương pháp, cách làm khoa học, quyết liệt, chọn đúng trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn. HĐND tỉnh đã ban hành 31 Nghị quyết về cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh ban hành 41 Quyết định cụ thể hóa nghị quyết của HĐND. Các cơ chế, chính sách của tỉnh được ban hành kịp thời, đảm bảo phù hợp, sát với thực tế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, giúp việc triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ và mục tiêu của Chương trình. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện hiệu quả phương châm xây dựng NTM lấy nội lực là căn bản, là sự nghiệp của toàn dân và nhân dân chính là chủ thể thụ hưởng thành quả đó. Lấy dân làm chủ thể, người dân được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nông thôn mới, từ đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân và đồng thuận, hưởng ứng tích cực, tạo ra nguồn lực to lớn hoàn thành mục tiêu của chương trình.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nông thôn Vĩnh Phúc đã có những đổi thay căn bản và toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 107/112 xã đạt chuẩnNTM, có 03 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm, Vĩnh Phúc đã huy động được hơn 12.800 tỷ động để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đầu tư được hơn 528 km đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 724 km đường trục thôn, ngõ xóm, 716 km đường trục chính nội đồng; 100% kênh loại I, II và 97% kênh loại III được kiên cố hóa, trên 300 công trình đầu mối, trạm bơm, hồ đập được đầu tư cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống dân sinh và từng bước sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh đã xây mới thêm 1.096 phòng học kiên cố, trong đó: Mầm non 780 phòng học; Tiểu học 210 phòng, Trung học cơ sở 106 phòng. Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,11%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,28 triệu đồng/ người; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,3%; Tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, trong đó tỷ lệ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 55%. Đến nay trên địa bàn tỉnh không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Quyết định số 372 của Thủ tướng Chính phủ, sau 5 năm kể từ khi về đích NTM, các địa phương sẽ phải xét công nhận lại. Vì vậy UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Quy định về điều kiện, tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thôn dân cư nông thôn mới, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2019-2020, chỉ đạo quyết liệt các địa phương triển khai thực hiện nhằm tránh tình trạng rớt chuẩn sau khi được công nhận, đảm bảo xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng đến phát triền nông thôn bền vững.
Phát huy những kết quả đạt được, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân theo hướng nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể. Hướng tới vai trò chủ thể thực sự của người dân, đảm bảo người dân có đủ năng lực, cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả của Chương trình. Cư dân nông thôn có thu nhập ổn định và điều kiện sống văn minh, có cơ hội phát triển. Sản xuất nông nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế, có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững theo hướng hiện đại. Nông thôn phát triển hài hòa với đô thị. Xây dựng nông thôn mới trở thành nơi đáng sống, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiệm cận với đô thị, kinh tế phát triển, cảnh quan và môi trường xanh, sạch đẹp, xã hội văn minh, giàu bản sắc, quan hệ cộng đồng gắn bó bền chặt./.
Đặng Thưởng