Cập nhật: 31/01/2022 09:00:00
Xem cỡ chữ

Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 với niềm tin, khí thế, khát vọng mới của năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Với quyết tâm chính trị cao nhất, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu Đại hội bằng nghị quyết, chương trình, đề án cụ thể thông qua việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn khơi thông nguồn lực cho phát triển đạt được những dấu ấn nổi bật, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng cả nước trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sát sao trong lãnh đạo cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương bằng việc ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, 5 đề án và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở, kịp thời nắm bắt chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. UBND tỉnh đã triển khai cụ thể hóa 55 nghị quyết của Trung ương, 100 nghị quyết văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, phê duyệt 31 đề án tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn khơi thông nguồn lực nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố.

Thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt trên 33.000 tỷ đồng, đạt 108% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt trên 28.000 tỷ đồng, bằng 104% dự toán. Đặc biệt, thu ngoài quốc doanh tăng 16% so với dự toán, cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là dấu hiệu đáng mừng phản ánh sự thích ứng linh hoạt của cộng động doanh nghiệp trong tỉnh.

Trong khi đại dịch Covid-19 đang bùng trên khắp toàn cầu và cả nước thì Vĩnh Phúc lại là điểm đến an toàn cho tất cả các nhà đầu tư. Toàn tỉnh thu hút được 68 dự án FDI, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt trên 1 tỷ Đô la Mỹ, bằng 253,75% kế hoạch, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020; thu hút 43 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 21.800 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, trong năm có đến 35 dự án lớn đầu tư trực tiếp đi vào hoạt động, 06 khu công nghiệp được quyết định thành lập. Đặc biệt mới đây, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trao bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc với Tập đoàn SOJITZ và các đối tác đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam về việc đầu tư và phát triển Dự án Đầu tư cải tạo trang trại, chuyển đổi vật nuôi từ lợn sang bò thịt, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư trên 500 triệu USD. Kết quả thu hút đầu tư năm 2021 đạt rất cao, khẳng định Vĩnh Phúc là điểm đến an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong năm toàn tỉnh đã thực hiện giải phóng mặt bằng trên 1.000 ha phục vụ triển khai các dự án, công trình. Nhiều dự án, công trình trọng điểm được phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư, khởi công, xây dựng, đi vào hoạt động như: Dự án Bệnh Sản Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dự án Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Cầu Đầm Vạc, Đài PT-TH tỉnh, Thư viện tỉnh, Trung tâm Triển lãm tỉnh. Trong năm các cấp, các ngành đã phê duyệt tới 721 dự án, quyết định chủ trương đầu tư 426 dự án.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,02%, là tỉnh có mức tăng trưởng cao thứ 9 toàn quốc. Trong đó ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,81%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 12,98%, các ngành dịch vụ tăng 2,96% so với năm 2020. Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước đạt trên 136 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2020. Đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên trên 114,27 triệu đồng/người/năm, tăng 8,8 triệu đồng/người/năm so với năm 2020.

Coi chống dịch như chống giặc không chỉ là khẩu hiệu mà là mệnh lệnh, ngay lập tức Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương kết luận, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, những quyết sách thần tốc của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch không chỉ dựa trên căn cứ Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm mà căn cứ vào Luật Quốc phòng. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết, với mục tiêu lấy người dân là trung tâm, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thay đổi chiến lược chống dịch theo từng giai đoạn. Từ điều tra, truy vết, xét nghiệm chuyển sang chiến lược bao vây, phong tỏa, đón đầu và đánh chặn; phát hiện sớm, khoanh vùng gọn, cách ly nhanh, tấn công Covid-19 bằng nâng cao công suất xét nghiệm thần tốc. Với phương châm phòng chống dịch “từ sớm, từ xa”, không để dịch xâm nhập vào khu công nghiệp, 100% doanh nghiệp trong khu công nghiệp xét nghiệm Covid-19 cho công nhân.

Thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên cả nước công bố cấp độ dịch, với quan điểm, phương pháp chống dịch thay đổi chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang chủ động thích ứng linh hoạt. Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân phải tự kiểm soát, tự bảo vệ cơ quan, đơn vị mình. Và mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi gia đình đều xây dựng tủ thuốc, chủ động xét nghiệm tầm soát nguy cơ Covid -19.

Trong lúc dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có những diễn biến phức tạp nhất, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể hướng tới các lao động xa quê như: hỗ trợ bằng tiền và gạo cho công dân Vĩnh Phúc gặp khó khăn tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vĩnh Phúc đã thuê chuyên cơ từ nguồn lực xã hội hóa để đón 3.000 công dân có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam trở về quê hương an toàn. Đây thực sự là những chuyến bay lịch sử, những chuyên cơ sâu nặng nghĩa tình thể hiện sự quan tâm đặc biệt, chưa có tiền lệ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đối với những người con xa quê, yếu thế trong xã hội.

Thuê chuyên cơ đưa người dân của mình về quê không chỉ là sự quan tâm đặc biệt, việc làm nhân văn, thấm đẫm tình người mà còn thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trong việc giải quyết nguồn lực lao động cho các KCN của tỉnh hậu Covid-19. Đón công dân từ Thành phố HCM và các tỉnh phía Nam trở về quê cũng chính là đón nguồn lao động trở về xây dựng kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Với quan điểm lấy người dân là trung tâm, người dân phải được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, cùng với phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, năm 2021, Vĩnh Phúc là 1 trong 5 địa phương đứng đầu cả nước về điểm thi tốt nghiệp THPT. Có 2 học sinh xuất sắc giành huy chương Bạc môn Sinh học và huy chương Đồng môn Toán học tại kỳ thi Olympic quốc tế năm 2021. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời. Đời sống vật chất tinh thần của người dân khu vực nông thôn được nâng lên. Năm 2021, toàn tỉnh có 11 xã hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 36 thôn hoàn thành tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Chỉ sau 9 tháng thành lập, Đội bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc đã thi đấu xuất sắc, giành ngôi vô địch vòng chung kết giải bóng chuyền hạng A Quốc gia và thăng hạng tham gia thi đấu tại giải vô địch Quốc gia năm 2022. Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đạt 1 Giải xuất sắc, 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 được tổ chức tại thành phố Hải Phòng.

Lĩnh vực Quốc phòng an ninh của tỉnh tiếp tục được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng vũ trang tỉnh đã tích cực, chủ động đảm bảo an ninh trật tự; là những lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt tỉnh đã tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021, được Quân khu 2 xếp loại xuất sắc. Qua diễn tập thể hiện năng lực lãnh đạo, chỉ huy, khả năng hiệp đồng của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị; trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, chủ động, sẵn sàng, bảo vệ địa phương trước mọi tình huống.

Dự báo năm 2022, đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu; cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là tiền đề và động lực quan trọng, tạo khí thế, quyết tâm để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tư duy sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức của đại dịch Covid-19, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, góp phần thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đưa Vĩnh Phúc hội nhập, phát triển bền vững./.

Văn Hải