Tai nạn đuối nước là nguyên nhân hàng đầu của các vụ tử vong ở trẻ em, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của mỗi gia đình.
Làm thế nào để trẻ em có được những ngày hè vui khỏe sau một năm học tập căng thẳng. Làm sao để không còn những vụ đuối nước thương tâm, đáng tiếc xảy ra với các em, đòi hỏi cần có một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực và sự chung tay của toàn xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 2000 trẻ em thiệt mạng do đuối nước, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần so với các nước phát triển. Tại Vĩnh Phúc trong năm 2021 đã ghi nhận 23 trường hợp trẻ em tử vong và chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay đã có thêm 16 trẻ bị tử vong do đuối nước. Nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn đã trở thành nỗi ám ảnh, để lại nhiều nỗi lo cho các bậc phụ huynh.
Nguyên nhân của các vụ đuối nước thương tâm chủ yếu là do các em tự ý đi chơi hoặc tắm ao, suối, sông, hồ, kênh, mương…trong những ngày hè nắng nóng mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn. Mặt khác, môi trường sống xung quanh trẻ không bảo đảm an toàn, không có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, ở xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời. Nhận thức xã hội và người dân, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh về phòng chống đuối nước còn hạn chế; sự giám sát, chăm sóc trẻ em tại các vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm nhiều. Đa phần các trường hợp trẻ tử vong vì đuối nước là do các em không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý khi gặp sự cố trong môi trường nước.
Để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Cùng với đó, các địa phương cũng triển khai nhiều biện pháp cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành hành vi đúng cho học sinh về việc tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống đuối nước bảo đảm an toàn cho bản thân; xây dựng bể bơi tại các trường học, bể bơi di động, khu vui chơi miễn phí cho trẻ. Đồng thời, vào mỗi dịp nghỉ hè, mở nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em nhằm trang bị những kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống trong môi trường nước cho các em.
Tại các trường học, mặc dù đang trong kỳ nghỉ hè, nhưng công tác phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý, giáo dục học sinh được triển khai hiệu quả. Để tạo sân chơi bổ ích cho các em, nhiều trường học đã phối hợp với các trung tâm đào tạo kỹ năng sống tổ chức các lớp học năng khiếu và các lớp dạy bơi cho các em học sinh ngay tại trường học, để các em có môi trường vui chơi, học tập lành mạnh trong dịp hè, giúp các em phát triển một cách toàn diện, có những kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước.
Nhận thức được nguy cơ đuối nước của trẻ em và tầm quan trọng của việc học bơi, rất nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con em mình tham gia các lớp học bơi trong dịp hè này.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đuối nước, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức rà soát, thực hiện cắm biển báo, biển cảnh giới để trẻ em biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm, đồng thời, tổ chức các tổ canh trực tại các điểm có nguy cơ cao, sẵn sàng ứng cứu khi trẻ bị đuối nước.
Công tác phòng, chống đuối nước cho các em thanh, thiếu niên hằng năm đều được quan tâm với nhiều hoạt động nhưng số trẻ không may gặp tai nạn trên ao, hồ, sông vẫn chiếm tới gần 80% số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có các giải pháp căn cơ hơn nữa để đảm bảo an toàn cho trẻ em trước nguy cơ đuối nước. Hơn lúc nào hết các nhà trường, các bậc phụ huynh cần nhận thức đúng đắn và có hành động trong việc đảm bảo an toàn cho con em mình, tránh để tình trạng đáng tiếc sảy ra./.
Thu Hoài