Đến thăm Thiếu tá, Anh hùng lượng vũ trang Nhân dân Trần Kim Xuân, trong ngôi nhà nhỏ của ông, được chiêm ngưỡng rất nhiều danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng được ông treo ở nơi trang trọng nhất.
Trong ngôi nhà nhỏ ấy còn có một góc dành riêng cho những kỉ vật đặc biệt gắn liền với những chiến công của ông. Đó là vỏ của một số loại bom, mìn, vật liệu nổ do chính ông trực tiếp phá, gỡ thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ và cả sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi khi cầm từng hiện vật lên lau chùi, ông đều nhớ như in cách tháo dỡ và vô hiệu hóa nó.
Chiến tranh cùng với tiếng bom rơi đạn nổ đã trở thành nỗi ám ảnh với biết bao người. Thế nhưng có một người lính công binh đã dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu giải mã, vô hiệu hóa thứ vũ khí sát thương hàng loạt này. Trở về sau hàng ngàn lần đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, người lính công binh càng trân trọng hơn giá trị của sự sống và hòa bình. Ông là Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Kim Xuân ở xã Đình Chu, huyện Lập Thạch.
Năm 1962, cũng như bao thanh niên yêu nước, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Trần Kim Xuân hăng hái lên đường nhập ngũ và được phân về Đại đội Công binh Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Tháng 8/1964, đế quốc Mĩ dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ” lấy cớ để đánh phá miền Bắc nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh tàn phá trong 9 năm bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với miền Bắc Việt Nam.
Cùng với hàng loạt vũ khí tối tân, hiện đại khi đó, đế quốc Mĩ đã sử dụng bom từ trường nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, uy hiếp tinh thần chiến đấu của Nhân dân ta. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Công binh đã thành lập một đơn vị chuyên phá bom. Anh hùng Trần Kim Xuân là một trong những cán bộ, chiến sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của đơn vị này.
Gần 30 năm tham gia quân ngũ, hơn 10 năm anh hùng Trần Kim Xuân gắn bó với cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 93 bộ tham mưu, binh chủng Công binh. Trong thời gian công tác, với cương vị là tiểu đoàn trưởng, ông đã góp phần cùng tiểu đoàn lập nhiều thành tích và gỡ được nhiều loại bom mìn nguy hiểm.
Tuy mỗi chiến công đều được làm nên một cách âm thầm và lặng lẽ nhưng với trên 38 nghìn quả bom mìn các loại mà ông đã khai tử chính là con số biết nói đã góp phần ghi công người anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Đối với cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 93, ông luôn là tấm gương sáng để cho lớp lớp thế hệ đi sau học tập và noi theo. Tên và chiến công của ông được ghi trên bảng vàng lưu danh những tấm gương được tuyên dương của Tiểu đoàn 93. Không phải ai cũng biết được rằng, mỗi kinh nghiệm tháo gỡ bom, mìn của ngươi anh hùng này luôn được xác định phải đánh đổi bằng chính tính mạng, và nhiều kinh nghiệm, sáng tạo trong quá trình tháo gỡ đã trở thành giáo trình khoa học cho các thế hệ sau.
Trong cuộc chiến tranh khốc liệt, những người lính công binh không trực tiếp cầm súng chiến đấu, họ thầm lặng chấp nhận hi sinh để tháo, gỡ bom mìn, vật nổ, giảm thương vong cho quân và dân ta, đóng góp to lớn vào những chiến thắng lịch sử để đi đến ngày toàn thắng của dân tộc.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiều công trình lớn được xây dựng nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển kinh tế, tiến lên xã hội chủ nghĩa. Người Tiểu đoàn trưởng của đơn vị lại tiếp tục bắt tay vào nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Công việc giữa thời bình nhưng không hề dễ dàng hơn thời chiến. Kể cả khi đã về nghỉ ngơi, ông vẫn tình nguyện làm cố vấn về tháo gỡ bom mìn mỗi khi quân đội cần.
Ngoài 80, anh hùng Trần Kim Xuân vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Từng làm ủy viên ban chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Lập Thạch, ủy viên Hội cựu chiến binh tỉnh, chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin xã Đình Chu. Trong số hơn 50 hội viên của Hội, có không ít gia đình còn khó khăn, bản thân các nạn nhân lại không có sức khỏe để lao động trong khi nguồn quỹ hỗ trợ nạn nhân còn hạn chế, ông thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình. Sự chân tình, cởi mở càng khiến những người từng một thời là lính gần nhau hơn và thêm khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên .
Một thời ngang dọc chinh chiến đã lùi xa, người anh hùng của lực lượng vũ trang Nhân dân giờ trở về đời thường cùng vài thú vui nhỏ. Nỗi nhớ những cực điện âm, dương; dây dẫn vẫn in đậm trong tâm trí ông, khi ngày ngày tỉ mỉ tháo lắp, sửa chữa những chiếc loa đài cũ trong bộ sưu tập hàng trăm bộ loa đài cổ. Và những vần thơ đã trở thành nơi trút bầu tâm sự của mình. Ông cũng đã cho ra mắt nhiều tập thơ hay, được mọi người đánh giá cao.
Những vỏ bom, vỏ mìn là vật chứng của một thời kì khói lửa, đau thương và mất mát và cũng là nhân chứng chứng kiến tinh thần quả cảm và sự trưởng thành của những người lính công binh khi làm nhiệm vụ. Với người anh hùng ấy, mỗi kinh nghiệm tháo gỡ bom, mìn luôn được xác định phải đánh đổi bằng chính tính mạng. Trong cuộc sống hôm nay, ông vẫn bền bỉ cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương theo cách của riêng mình./.
Bích Hằng