Cập nhật: 03/02/2024 09:33:00
Xem cỡ chữ

Trải qua 94 mùa xuân có Đảng, Đảng soi đường, đồng hành cùng dân tộc vượt qua mọi gian lao, thử thách, giành những thắng lợi to lớn. Qua 74 xây dựng và phát triển tỉnh, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 17 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận, đánh dấu những thắng lợi, thành tựu.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đã xác định đổi mới phương thức lãnh đạo là yếu tố quyết định thực hiện mục tiêu Nghị quyết, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung vào ban hành nghị quyết trọng tâm, trọng điểm; Đổi mới công tác cán bộ, giao việc, đánh giá cán bộ bằng sản phẩm; Đổi mới trong công tác kiểm tra, giám sát. Từ đó, các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá được tập trung thực hiện; tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh phúc lợi xã hội, người dân là trung tâm của mọi quyết sách, hành động, người dân được thụ hưởng thành quả phát triển.

Ban hành Nghị quyết trọng tâm, trọng điểm

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước hết từ khâu ban hành nghị quyết tập trung vào giải quyết các vấn đề cấp bách, đặc biệt là tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi cho người dân, xây dựng văn hóa con người Vĩnh Phúc thực hiện 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Nút thắt về giải phóng mặt bằng được tháo gỡ ngay đầu nhiệm kỳ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 02/2021 về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII như Nghị quyết 08/2021 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 11/2021 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2035; Nghị quyết 15/2022 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Nghị quyết 19/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 và các Nghị quyết của HĐND tỉnh về tiêu chí, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Đánh giá cán bộ bằng sản phẩm

Đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên trong công tác cán bộ và có tính chất quyết định đến các khâu còn lại của công tác cán bộ. Đánh giá đúng sẽ giúp cho cấp ủy có sở sở để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đúng cán bộ và sẽ phát huy được hiệu quả trong công việc. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đã xác định các khâu đột phá, trong đó đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, trước hết là đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ bằng “sản phẩm”. 

Năm 2023 là năm thứ ba Vĩnh Phúc thực hiện việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định mở rộng đối tượng giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đối với 48 người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị. Nhiệm vụ được giao tiếp tục đảm bảo sát, đúng, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương; bám sát vào các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, cơ quan, đơn vị để lựa chọn những việc khó, việc mới, việc chưa có tiền lệ, việc tồn tại nhiều năm chưa giải quyết để thực hiện.

Căn cứ chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa và giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị tại địa phương và xây dựng kế hoạch, giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng và đột xuất, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nghe các đơn vị trực thuộc báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với từng nội dung công việc.

Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là nhiệm vụ khó, phát triển đảng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn khó khăn hơn rất nhiều. Bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, với tư duy sáng tạo qua giao chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho các sở, ban, ngành liên quan; các Huyện ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc; xây dựng các chính sách hỗ trợ công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên và đội ngũ cán bộ cấp ủy làm công tác đảng trong doanh nghiệp. Năm 2023, 10/10 đơn vị hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao với việc thành lập 23 tổ chức đảng được thành lập mới, vượt 05 tổ chức cơ sở đảng, đạt 127,8%. Thành lập mới 03 tổ chức đảng trong doanh nghiệp FDI; nâng tổng số tổ chức đảng trong doanh nghiệp FDI lên 10 tổ chức.

Đặc biệt, dù mới triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TU ngày 28/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường phát triển đảng trong học sinh, sinh viên” song trong năm qua, toàn tỉnh đã bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 399 quần chúng ưu tú, vượt 239 quần chúng so với chỉ tiêu giao; đã kết nạp được 59 đảng viên là học sinh, sinh viên, vượt 23 đảng viên so với chỉ tiêu giao, bằng cả số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đảng trong hơn 03 năm từ năm 2020 đến khi ban hành Chỉ thị.

Từ việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, các địa phương đã có cách làm đột phá, giải quyết được các tồn tại nhiều năm như tại huyện Lập Thạch. Bãi rác thải thị trấn Lập Thạch cạnh Trung tâm Y tế huyện là nỗi ám ảnh của người dân, gây ô nhiễm môi trường tồn tại suốt 30 năm đã được huyện Lập Thạch quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo giải quyết triệt để mang lại niềm vui cho người dân.

Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp, huyện Yên Lạc nằm trong tốp đầu các địa phương hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, đồng chí Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện lập kế hoạch của từng cá nhân, đơn vị để giao nhiệm vụ và thực hiện lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ để đánh giá mức độ hoàn thành của cán bộ. Với cách làm này, chỉ tiêu Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao về giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công là điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội đã được lãnh đạo huyện Yên Lạc chỉ đạo thực hiện đạt kết quả rất tốt. Năm 2023, huyện đã giải phóng mặt bằng vượt kế hoạch chỉ tiêu giao; giải ngân vốn đầu tư công, nằm trong tốp đầu các địa phương trong tỉnh.

Nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao về hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về “xây dựng phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu phát triển bền vững; xây dựng Đề án Làng văn hóa kiểu mẫu đã được người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp thiết thực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Kết thúc năm 2023, toàn tỉnh đã khánh thành, đưa vào sử dụng 28/28 thiết chế văn hóa, thể thao của Làng văn hóa kiểu mẫu. Các tiêu chí làng văn hóa kiểu mẫu đang được các địa phương hoàn thiện. Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã cụ thể hóa mục tiêu mọi người dân Vĩnh Phúc được thụ hưởng thành quả phát triển, xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc, giữ làng giữ nước từ sớm, từ xa.

Quá trình giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn đồng hành chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao năm 2023. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; chỉ đạo, kịp thời có hoặc đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền bố trí nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Đây là yếu tố quyết định hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2023.

Nổi bật, là trong công tác xây dựng Đảng, công tác phát triển đảng viên của tỉnh tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch và chỉ tiêu Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII và Chương trình thực hiện Nghị quyết của tỉnh đã đề ra là một trong số ít các tỉnh thực hiện đạt mục tiêu này. Năm 2023, toàn tỉnh kết nạp được 2.275/2.205 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt 103,2% so với chỉ tiêu giao.

Trong bối cảnh khó khăn nặng nề hơn so với dự báo từ suy giảm kinh tế toàn cầu, kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc vẫn tăng trưởng khá. Thu ngân sách vẫn nằm trong tốp 8 địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước; thu hút đầu tư vượt mục tiêu cả nhiệm kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất từ trước đến nay, vượt mục tiêu kế hoạch vốn Trung ương giao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,61% là một trong 05 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước; an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua việc giao nhiệm vụ, đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cho 48 người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Đảm bảo các nhiệm vụ được giao bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tiếp tục giao những việc khó, việc phức tạp chưa hoàn thành trong năm 2023 để thực hiện đạt kết quả cuối cùng và căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, cơ quan, đơn vị để tiếp tục lựa chọn giao những việc khó, việc mới.

Nghị quyết số 26/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”. Song thực tiễn qua cách làm, kinh nghiệm 3 năm qua của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đã định lượng được tiêu chí trong đánh giá, xếp loại cán bộ hằng năm. Kết quả, chất lượng công việc chính là thước đo chính xác nhất năng lực cán bộ.

Trên cơ sở đánh giá chính xác cán bộ là căn cứ bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, động viên, khuyến khích cán bộ có tài tiếp tục cống hiến, phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đang hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn; có ý thức trách nhiệm, đam mê và khát vọng.

Văn Hải - Ngọc Anh