Tháng 8/1945, ngay khi Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Tuyên Quang quyết định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”, phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân Tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân ngày 15 và 16/8/1945 đã lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam - tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào toàn quốc nổi dậy Tổng khởi nghĩa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền ở khắp các địa phương trong cả nước. Nhờ chọn đúng thời cơ, sức mạnh của Nhân dân ta được nhân lên gấp bội. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Đại tá Dương Văn Bắp là cán bộ tiền khởi nghĩa với 76 năm tuổi Đảng, từng tham gia hai cuộc kháng chiến: chống thực dân Pháp và Đế quốc Mĩ, đến giờ, cụ vẫn nhớ như in không khí của cả nước những ngày diễn ra Cách mạng Tháng Tám.
Vĩnh Phúc ở thời kì trước Cách mạng gồm hai tỉnh: Vĩnh Yên và Phúc Yên. Là địa phương sớm tiếp thu ánh sáng Cách mạng của Đảng, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh đã lần lượt được thành lập, như: Chi bộ Đồn điền Đa Phúc ra đời tháng 3/1933, Chi bộ Đồn điền Tam Lộng ra đời tháng 10/1933, Chi bộ Vĩnh Tường ra đời tháng 8/1938, Chi bộ Dẫn Tự - Hòa Lạc ra đời năm 1939. Dưới sự lãnh đạo của các Ban cán sự Đảng, các chi bộ và đặc biệt sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương thông qua hai đội công tác về xây dựng khu an toàn của Xứ ủy và Trung ương trên đất Vĩnh Phúc cuối năm 1944, phong trào cách mạng của tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ. Phong trào thành lập Mặt trận Việt Minh phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh, đã góp phần chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa giành chính quyền Tháng 8/1945.
Dưới ngọn cờ của Đảng và lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên đã phát động Nhân dân khởi nghĩa. Diễn biến cuộc khởi nghĩa đấu tranh giành chính quyền của quân dân Vĩnh Phúc mùa Thu năm 1945 được Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc dành riêng một khu vực trưng bày.
Là một trong những quần chúng sớm được giác ngộ Cách mạng và trở thành một trong những chiến sĩ đầu tiên của đội du kích ở thị xã Vĩnh Yên tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, cụ Nguyễn Văn Phượng còn nhớ rõ tinh thần hứng khởi của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh ở khắp các nẻo đường đổ về thị xã Vĩnh Yên biểu tình, biểu dương sức mạnh của quần chúng ngày 31/8/1945.
Cuộc biểu tình ngày 31/8/1945 của Nhân dân ta với hàng nghìn tự vệ và du kích giương cao ngọn cờ đỏ sang vàng ở thị xã Vĩnh Yên không thành công song đã thể hiện tinh thần kiên cường, không chịu lùi bước của quần chúng trước kẻ thù.
Trong cuộc đấu tranh cam go giành chính quyền ở hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên Tháng 8/1945, nhiều đồng bào ta đã hi sinh. Với sự kết hợp lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đã tạo áp lực lật đổ chính quyền tay sai địch, đi đến thắng lợi ở tất cả các phủ, huyện và thị xã Phúc Yên. Chính quyền về tay Nhân dân lao động, hơn 50 vạn đồng bào các dân tộc trong tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên được đổi đời, từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của mình. Cách mạng Tháng 8 ở Vĩnh Phúc là một bộ phận của Cách mạng Tháng 8 trong cả nước. Trang sử vàng Cách mạng Tháng Tám mãi là niềm tự hào đối với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Giữa những ngày mùa Thu lịch sử, muôn triệu trái tim Việt Nam dường như cùng chung một nhịp đập hướng về những năm tháng đầy gian khổ, đầy hi sinh của cả dân tộc với niềm tưởng nhớ, tri ân, xúc động và tự hào. Đó là những trang sử vàng với những chiến thắng vĩ đại được đổi bằng xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc.
Viết tiếp những trang sử vàng của quân dân Vĩnh Phúc trong thời kì mới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, tư duy đột phá, tạo nên những thành tựu phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, khẳng định vị thế là tỉnh luôn đứng trong TOP đầu cả nước. Vĩnh Phúc hôm nay tự hào đã và đang hiện thực hóa lời căn dặn của Bác khi Người về thăm tỉnh năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta”.
Tuyết Minh