Cập nhật: 23/07/2018 08:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có tuổi đời đã hàng trăm năm nay, làng rèn truyền thống xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường không chỉ được người tiêu dùng ở khắp mọi miền Tổ quốc biết đến và ưa chuộng bởi tính thông dụng và độ bền, đẹp của sản phẩm, mà còn xuất khẩu sang thị trường Châu Á, góp phần tạo nên cuộc sống ấm no cho nhân dân địa phương.

Từ xa xưa, làng rèn truyền thống Lý Nhân đã nổi tiếng xa gần, với những sản phẩm gia dụng có độ bền cao, đẹp, thông dụng trong mỗi gia đình Việt Nam. Ngày mưa cũng như ngày nắng, năm này qua năm khác lò rèn làng Lý Nhân luôn đỏ lửa. Mỗi nếp nhà, mỗi con ngõ luôn nhộn nhịp bởi tiếng đe, tiếng búa như thể minh chứng cho sự tồn tại bền bỉ của một làng nghề truyền thống. Dẫu nhọc nhằn vất vả, nhưng người dân nơi đây vẫn nặng lòng với nghề  truyền thống của ông cha mà gắng công gìn giữ.

Không biết nghề rèn Lý Nhân có từ bao giờ, chỉ biết tục truyền rằng: xưa kia, Lý Nhân rất nghèo, có một lần Quan Quận Công về làng, thấy làng xóm sơ xác tiêu điều, ông đã trực tiếp mở lò rèn và đón thợ giỏi về dạy cho nhân dân địa phương biết cách rèn dao, làm cuốc, xẻng…. Làng rèn Lý Nhân tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Qua những biến thiên của lịch sử, nghề rèn ở Lý Nhân ngày càng phát triển sản, phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước. Ngoài những sản phẩm truyền thống như: dao, liềm, cuốc, xẻng… thợ rèn Lý Nhân còn tìm cách sản xuất các loại hàng chuyên dùng phục vụ công tác khảo cổ, ngành may, chế biến thực phẩm. Mỗi tháng có hàng trăm tấn sản phẩm Lý Nhân không chỉ được mang đi tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn khuất khẩu sang nước ngoài như: Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Để có được những sản phẩm tưởng chừng như đơn giản ấy, những người thợ rèn Lý Nhân đã phải trải qua rất nhiều công đoạn vô cùng tỉ mỉ và kì công. Những người thợ cẩn thận cắt những bản sắt thành hình của sản phẩm theo ý đồ, sau đó cho lên lò nung ở nhiệt độ gần 1000 độ C, tùy thuộc  vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo độ dày mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau để tạo phôi.

Khi những sản phẩm thô đã qua giai đoạn làm phôi, nung, rèn là đến giai đoạn gọt bỏ những phần sắt thừa để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm, sau đó được cho vào lò nung lại cho đỏ trắng rồi tôi qua nước ở nhiệt độ khoảng 10 đến 15 độ C. Trong quá trình làm, người thợ phải gọt thẳng xuôi chiều lưỡi dao nghiêng 45 độ tay gọt phải khéo, đều để lưỡi dao hay lưỡi kéo có độ mỏng đều nhau như thế sản phẩm mới có độ sắc.

Trước đây người dân Lý Nhân phải mất rất nhiều công sức để làm ra một sản phẩm thủ công, ngày nay, nhiều gia đình ở đây đã đầu tư máy móc nhằm giảm bớt sức người và tăng năng suất làm việc. Những công đoạn đòi hỏi sức lao động nặng đã được máy móc thay thế như rèn bằng búa máy, sạt lưỡi bằng máy, nhờ vậy số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên rõ dệt, nhiều gia đình ở Lý Nhân nhờ vậy mà đã mở rộng sản xuất với quy mô lớn.

Ở Lý Nhân người nam giới làm chủ gia đình cũng là trưởng lò rèn, những thành viên khác trong gia đình đều tham gia công việc tùy theo sức lực và lứa tuổi, hình ảnh những người phụ nữ làm thợ phụ cho chồng làm rèn không còn xa lạ với người dân nơi đây. Không chỉ chăm lo đồng áng các chị còn ra lò rèn phụ giúp chồng. Tưởng chừng những công việc nặng nhọc này chỉ dành riêng cho đấng mày râu, nhưng những người phụ nữ ở đây cũng rất chắc chắn trong từng quai búa.

Khi người dân làng nghề Lý Nhân coi cái đe, cái búa là phương tiện để mưu sinh thì còn đó sự tận tâm giữ nghề truyền thống của cha ông truyền lại. Ánh lửa lò rèn suốt mấy trăm năm qua vẫn rực cháy, nó như nụ cười trên khuôn mặt của những người thợ rèn chưa bao giờ tắt, điều đó giúp người thợ rèn thêm vững tin vào sự tồn tại phát triển của nghề mà cha ông đã để lại.

Trên mỗi nẻo đường của làng quê Lý Nhân, đâu đâu cũng vang lên tiếng đe, tiếng búa leng keng. Có lẽ cũng bởi vậy, những người dân nơi đây đã gắn bó và trưởng thành từ âm thanh quen thuộc của cha ông nên luôn chung tay gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống của cha ông, góp phần vào sự thay da đổi thịt của làng nghề. Con đường làng Lý Nhân hôm nay được trải rộng hơn, những ngôi nhà nhỏ tiêu điều trước đây giờ đã được thay thế bằng những căn nhà cao tầng khang trang, người dân cũng có cuộc sống đủ đầy, sum túc hơn.

Tin tưởng rằng: với những ứng dụng của kĩ thuật công nghệ vào sản xuất và sự ham học hỏi yêu nghề của những người thợ, làng rèn Lý Nhân sẽ ngày càng phát triển, đem lại sự ấm no giàu mạnh cho những người dân trên quê lúa Vĩnh Tường anh hùng.

Thúy Chinh

 

Tệp đính kèm