Cập nhật: 23/08/2018 08:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên từ xưa đã nổi danh là địa phương có nghề gốm phát triển. Trải qua thời gian và lịch sử đến nay, nghề gốm Hương Canh tuy có những bước thăng trầm, nhưng vẫn luôn được những người con kẻ Cánh gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của làng nghề trong cuộc sống đương đại.

Thị trấn Hương Canh (còn có tên tục gọi là ba làng Cánh), thuộc huyện Bình Xuyên, là một trong những ngôi làng cổ nhất tỉnh Vĩnh Phúc, gắn với nghề gốm cổ truyền của địa phương, đã một thời nổi tiếng không chỉ ở Vĩnh Phúc mà còn ở cả vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, gắn với cuộc đời và sự nghiệp của quan Nội hầu Trịnh Xuân Biền ở thế cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.

Tương truyền, sau khi đánh bại Quận hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê - Trịnh đã phái ông Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên ngày nay. Ông thấy cuộc sống của nhân dân nơi đây còn nhiều khổ cực, nên đã giúp địa phương phục hồi sản xuất nông nghịêp và mời thầy đến dạy dân làng nghề gốm. Khi ông qua đời, dân làng biết ơn đã lập miếu tôn Trịnh Xuân Biền làm ông tổ nghề gốm.

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người Hương Canh nguồn nguyên liệu đất sét rồi rào có độ mịn, dẻo rất thích hợp để làm đồ gốm, cùng với con người kẻ Cánh không chỉ hay lam hay làm mà còn cần cù, sáng tạo và thông minh, nên đã 300 năm nay, nghề gốm đã gắn bó mật thiết với đất và người kẻ Cánh.


Ban đầu, sản phẩm gốm Hương Canh chỉ là gốm thô, với các vật dụng quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày ở mỗi gia đình nông thôn nước ta như: chum, chĩnh, vại, ấm… và phát triển tự phát, được người dân làm tranh thủ trong những lúc nông nhàn.

Năm 1958, Hợp tác xã thủ công Tam Đồng được thành lập, nhằm tập hợp những người con của Hương Canh theo nghề gốm truyền thống vào một tổ chức, để sản xuất tập chung có quy mô và chất lượng tốt hơn.

Hợp tác xã thủ công Tam Đồng sau đó được đổi tên thành Hợp tác xã gốm Hương Canh, có 220 xã viên, do ông Nguyễn Thanh Nguyên làm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Hợp tác xã gốm Hương Canh vào những thập niên 90 của thế kỷ XX đã phát triển rầm rộ, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong và ngoài tỉnh và đã sánh ngang hàng với những nghề thủ công truyền thống trong cả nước, điều này đã được ca dao phản ánh đậm nét: “xứ Móng Cái, vại Hương Canh”. 

Tuy nhiên, do một số yếu tố tác động chủ quan và khách quan, Hợp tác xã gốm Hương Canh sau đó gặp nhiều khó khăn. Năm 1987, Hợp tác xã gốm Hương Canh giải thể, người dân Hương Canh chuyển từ sản xuất đồ gốm sang sản xuất ngói để làm kế mưu sinh.

Đứng trước nghề thủ công truyền thống của cha ông đang ngày bị mai một, những nghệ nhân yêu nghề muốn phục dựng lại nghề truyền thống nhằm gìn giữ nét văn hoá, nghệ thuật tinh hoa của cha ông để lại đã không quản khó khăn vất vả từng bước khôi phục lại nghề gốm của địa phương.

Hiện nay, ở Hương Canh chỉ còn lại vài gia đình còn lưu giữ được nghề gốm, nghệ nhân làm gốm cũng chỉ còn đôi, ba người theo nghề gốm truyền thống, trong đó có anh Nguyễn Hồng Quang - Thôn Lò Cang, Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên - hiện anh là Chủ cơ sở sản xuất gốm nghệ thuật Quang Đức, cũng như bao thế hệ sinh ra và lớn lên tại làng nghề, từ nhỏ anh đã quen với mùi bùn đất, với khói đốt lò…

Với quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống của cha ông, Nguyễn Hồng Quang thi vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành Điêu khắc. 5 năm kiên trì học về gốm, anh đã có thêm nhiều kiến thức về gốm nghệ thuật. Anh nhận ra rằng, để thành công nhất định phải sáng tạo, thoát khỏi cung cách sản xuất gốm xưa cũ, anh quyết định mở xưởng gốm ngay tại quê nhà. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những mẻ gốm đầu tiên của anh đã thất bại. Với kiến thức có được cùng kinh nghiệm của gia đình có 4 đời làm nghề gốm và được sự ủng hộ của gia đình, năm 2011 anh Quang chuyển đổi lò đốt thủ công sang lò đốt bằng gas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, xưởng sản xuất của anh có quy mô, sản phẩm gốm nghệ thuật của anh rất được ưa chuộng trong cả nước. Mỗi tháng anh thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi và tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập trung bình trên 4 triệu đồng người/tháng. 

Năm 2013, Nguyễn Hồng Quang được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng danh hiệu Người thợ trẻ giỏi toàn quốc và đoạt nhiều danh hiệu về nghề làm gốm của tỉnh Vĩnh Phúc. Anh Quang dự định trong tương lai sẽ thay đổi mẫu mã và nhân rộng mô hình sản xuất ra nhiều hộ gia đình khác, tạo nên những sản phẩm đồng bộ đạt chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, anh cũng dự định mở lớp dạy nghề gốm trải nghiệm cho các cháu học sinh, nhằm đào tạo lớp kế cận để bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống Hương Canh.

Tin rằng, ngọn lửa truyền thống của làng nghề gốm Hương Canh sẽ luôn sáng, và những sản phẩm gốm chất lượng cao mang thương hiệu Hương Canh sẽ đi khắp muôn phương, đến với những người yêu thích gốm trong và ngoài nước.

Thúy Chinh

Tệp đính kèm