Cập nhật: 23/10/2018 08:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng Rùa xưa nay là thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường được biết đến là miền quê có nghề truyền thống làm đậu nổi tiếng từ lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, các thế hệ người dân nơi đây luôn tự hào là quê hương đã, đang và sẽ gìn giữ, phát triển nghề làm đậu gắn liền với tên làng làm sản phẩm - Đậu làng Rùa.

Từ xa xưa, làm đậu được coi là một trong những nghề thủ công truyền thống, gắn bó lâu đời với mỗi người dân làng Rùa, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường. Tại vùng quê văn hiến này, nhiều gia đình có đến năm, sáu thế hệ gắn bó, mưu sinh với nghề làm đậu. Tuy nhiên, đậu Rùa chỉ được làm phổ biến nhất ở thôn Trung và thôn Thượng, là 2 thôn liền kề nhau. Sau năm 1945, dù tên địa danh làng đã được thay đổi nhưng người dân địa phương vẫn gọi với cái tên quen thuộc “Đậu Rùa”.


Hiện nay, trên địa bàn xã Tuân Chính có gần 100 hộ đang gắn bó với nghề làm đậu. Nghề làm đậu đã giúp người dân địa phương có công việc và thu nhập ổn định. Vì vậy, mỗi người con làng nghề làm với tất cả lòng yêu nghề để mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm đậu Rùa thơm ngon, hấp dẫn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương, vì thế, đậu Rùa đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.

Cách làm đậu Rùa cũng tương tự cách làm đậu phụ của nhiều nơi khác, song người làm nghề nơi đây rất coi trọng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn đỗ, ngâm đỗ, đến việc hoàn thành sản vật, tất cả phải và đảm bảo sản phẩm ngon và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Người thôn Rùa làm đậu bao giờ cũng chọn loại đỗ tương hạt tròn mẩy đem ngâm nước. Thời gian ngâm đỗ phải được cân nhắc cẩn thận, trời nóng chỉ ngâm 5-6 giờ nhưng nếu trời lạnh có khi phải ngâm 8-9 giờ. Đỗ nở căng hết ra thì đem xay rồi đổ nước đậu đã xay vào túi lọc cho sạch bã, chỉ lấy phần nước.

Nước đậu sẽ được đun sôi, nhưng không được để nước đậu sôi già, vì như vậy đậu sẽ có mùi khê. Khi nước đậu còn nóng, phải thật nhanh tay hòa nước giống (loại nước được lên men chua từ phần nước đậu đã vớt hết cái từ hôm trước) vào, khua nhẹ tay tới khi thấy có mảng cái nổi lên thì dừng. Sau đó đem phần hỗn hợp này múc vào khuôn bên trên đã rải một lớp vải sạch rồi gói lại, cho tới khi đầy khuôn gỗ thì gập lớp vải lên trên bề mặt cái đậu rồi dùng vật nặng ép lên cho ráo nước là cho ra sản phẩm.

Nét độc đáo của đậu rùa Tuân Chính là khi làm miếng đậu chỉ to hơn bao diêm. Đậu Rùa có hai loại: Đậu nướng và đậu trắng, mỗi loại đều có hương vị độc đáo riêng. Đậu trắng, miếng đậu mịn, ăn có vị mát. Loại đậu trắng này được người dân làm vào khoảng từ 11h00 đến hơn 15h00 hàng ngày, để bán cho nhân dân địa phương vào bữa cơm xum họp gia đình buổi chiều, đậu nướng sẽ được người dân làm từ 1 đến 2 giờ sáng, để bán vào buổi sáng sớm.

Đậu Rùa Tuân Chính từ xưa đến ngày nay vẫn được nhiều thực khách biết đến và trở thành món ăn quen thuộc của nhiều gia đình nơi miền Vĩnh Phúc. Vì thế, mỗi người con của quê hương luôn ước muốn, dù có đi bốn phương trời lập nghiệp vẫn tìm đến về nơi “chôn nhau cắt rốn” để được thưởng thức vị thơm mát, bùi ngậy của đậu Rùa và luôn tự hào đó về sản vật truyền thống của quê hương.

Đậu Rùa là món dễ ăn, đặc biệt vào mùa hè, có thể ăn đậu trắng, đậu nướng, đậu rán, chấm với tương quê, nước mắm hoặc mắm tôm. Đậu Rùa ăn lúc còn nóng là ngon nhất.

Đậu Rùa cũng rất có duyên khi kết hợp với nhiều món ăn khác như: nấu xáo, nấu om cùng với lươn, ốc, ếch, ba ba; món “Bún chả đậu”; “đậu nhồi thịt”; “nộm hoa chuối đậu phụ”, Đậu Rùa kho tương cùng nhiều món ăn chay sử dụng nguyên liệu chính từ đậu, bên cạnh đó, món canh cái đậu, sữa đậu cũng vô cùng hấp dẫn.

Đậu Rùa là thực phẩm “sạch” ngon mà bổ, rẻ dành cho mọi lứa tuổi. Trước đây, đậu Rùa chỉ bán tại địa phương, nhưng do nhu cầu của các thực khách gần xa, ngày nay đậu Rùa đã có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, trở thành món ăn dân dã quen thuộc không thể thiếu trogn mỗi gia đình. Món đậu Rùa cũng vì thế phát triển đến ngày nay.

Nếu có một lần đến với làng Rùa, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, mời bạn hãy thưởng thức món đậu Rùa đặc biệt này. Bởi đây không chỉ là hồn quê mộc mạc mà còn là minh chứng của những tinh hoa văn hóa ẩm thực của dân tộc, để càng thấy yêu hơn quê hương, đất nước Việt Nam mến yêu. Tin tưởng rằng: món đậu Rùa tuy mộc mạc, dân dã ở quê lúa anh hùng này luôn được mỗi người con của quê hương gìn giữ, phát huy và được du khách gần xa biết đến, để hồn quê Việt có thể lan  tỏa đi xa và phát triển hơn nữa trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

Thúy Chinh

Tệp đính kèm