Cập nhật: 23/02/2019 09:45:00
Xem cỡ chữ

Hòa chung không khí rộn rã của đất nước bước vào một mùa xuân mới khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan, nhân dân thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên lại cùng đông đảo du khách thập phương nô nức tham dự lễ hội truyền thống đình làng Cao Quang, như một phần văn hóa tinh thần đặc sắc không thể thiếu của đất và người nơi đây.

Sau những ngày vui xuân đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, dân làng Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên theo tục lệ lại tưng bừng tổ chức lễ hội, để tưởng nhớ và tri ân công lao của Đức thánh Xa Lai đại vương và cầu cho một năm mới dân khang vật thịnh, mùa màng bội thu, đồng thời đây cũng là dịp để người Cao Quang nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả - cũng từ đây tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết bền chặt trong mối đồng giao cộng cảm.   

Đình làng Cao Quang được dân ba làng anh em tôn là đình cả, là ngôi đình lớn nhất trong tất cả các đình thờ Xa Lai đại vương trong vùng. Đình được phối thờ thánh Xa Lai, bà Huệ Nương, bà Tiên nữ Thanh Sam và quan nghè Trần Hữu Bích. Đình Cao Quang được dựng nơi vị trí đẹp, từ thời đầu nhà Lê năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784) với kiến trúc đồ sộ. Sau bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, đình Cao Quang đã bị hư hỏng. Sau nhiều lần chính quyền và nhân dân tu bổ, đình vẫn ngự tọa trên nền móng cũ khang trang, bề thế mà vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính ban đầu. Trước cửa đình có hồ Bán Nguyệt, xung quanh trồng các cây cổ thụ mang đặc trưng của làng xã Việt Nam.

Lễ hội đình Cao Quang trước đây thường được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Ngày 15 tháng giêng năm nào làng cũng tổ chức tế thánh và đã thành thông lệ cứ 3 đến 5 năm một lần. Làng Cao Quang cũng như hai làng anh em lại tổ chức lễ hội lớn với nghi lễ rước kiệu thánh và hội làng.

Từ ngày 14 tháng giêng, dân làng Cao Quang lại mở hội với nhiều hoạt động vui nhộn mà ý nghĩa như: giao lưu văn nghệ, thi gia đình tài tử, thi đấu bóng chuyền, thể dục dưỡng sinh... Bên cạnh đó là những trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, rồi hát chầu văn, hát quan họ cửa đình...

Sang ngày 14 tháng giêng, làng long trọng tổ chức lễ rước kiệu thánh gồm hai cỗ kiệu bát cống, được rước theo thứ tự kiệu Đức Thánh Xa Lai đi trước, tiếp đến là kiệu bà Huệ Nương thân mẫu của Đức Thánh. Đoàn rước được dẫn đầu với đội múa lân, cờ tổ quốc, và cờ thần. Tiếp đến là đội hồng kỳ, đội thiếu nhi đánh trống ếch; các thủ hiệu phụ trách chiêng lớn và trống cái; đoàn cờ phướn, đội múa bồng. Hai mâm lễ do 4 trai thanh gái lịch của làng rước. Tiếp đến là đội bát bửu, đội chấp kích, phường bát âm và nối tiếp là kiệu Đức Thánh được16 chàng  trai rước; kiệu Đức bà Huệ Nương được 16 cô gái rước, họ đều ở độ tuổi 18 đôi mươi chưa lập gia đình, sinh trưởng trong gia đình bố có mẹ song toàn, sung túc được chọn làm phu kiệu thay nhau khênh rước. Tất cả các thành viên trong các đội nghi thức rước kiệu tế thánh đều được làng chọn lựa theo quy định truyền thống của làng đã có từ lâu đời. Đi sau kiệu là đầy đủ các vị chức sắc của chính quyền đoàn thể, và đông đảo già trẻ gái trai trong làng. Ai ai cũng háo hức, đều coi việc đi rước kiệu thánh là việc làm ý nghĩa để cầu may mắn, bình an cho bản thân, gia đình và xã hội trong năm mới.

Kiệu thánh được rước qua làng, rồi đến cánh đồng, qua cây đa làng cổ thụ rồi qua chùa Quẵng, tương truyền là nơi bà Huệ Nương đã ngự lại. Rồi qua gò phượng hoàng, gò ấp theo bờ con kênh dẫn nước tưới tiến về miếu thượng ở thôn Quảng Tự. Tương truyền là nơi thánh sinh thánh hóa, cũng là nơi ngài đã cùng quân sĩ tập luyện trước đây. Tại đây, hai ngai thờ Đức Thánh và thân mẫu của ngài lần lượt được rước tiến vào miếu. Ban tế tiến hành tế 3 tuần, tấu đọc trúc văn kính cáo tại miếu. Tế xong, thủ từ chuyển hai bát hương thờ Đức Thánh và thân mẫu của ngài vào hai kiệu rồi thứ tự rước về đình làng Cao Quang.

Khi kiệu về tới đình, vị thủ từ của đình làng nghênh đón bát hương tiến lên thượng cung. Lễ rước kiệu hoàn tất cũng vừa là lúc hết buổi sáng. Sau giờ nghỉ trưa, ban tế sẽ tiến hành tế lễ nhập tịch tại gian đại đình. Một mùa xuân mới lại về, để mừng làng xóm ngày càng khang thịnh, dân làng Cao Quang tổ chức long trọng các nghi lễ tế thánh vừa bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh đã phù hộ cho dân làng được may mắn, bình an, vừa tỏ lòng thành nhớ ơn người đã có công với nước. Và cũng như mọi năm, sau phần dâng tế của ban tế cùng đội dâng hương và đội đạo tràng là đến các dòng họ trong làng dâng lễ. Mỗi họ trong làng đều thành tâm kính cẩn sửa lễ gia đình dâng cúng thánh. Lễ vật được sắp tùy tâm, có thể là lễ chay đan hoa quả, có thể là lễ mặn với con gà, thủ lợn, mâm xôi... Tất cả cho thấy sự thành tâm của dân làng Cao Quang đối với Đức Thành Hoàng làng.

Với một bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng tiêu biểu, đình làng Cao Quang, đất và người Cao Quang đã luôn xứng đáng làm là một di tích lịch sử văn hóa, một vùng quê tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung. Tự hào bởi điều đó, mỗi người dân làng Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên luôn tự có cho mình ý thức phấn đấu xứng đáng là con dân của một làng quê giàu truyền thống. Đồng thời giáo dục cho các thế hệ kế tiếp lòng yêu quê hương đất nước, thấy được trách nhiệm của bản thân với quê hương hôm nay và mai sau.

Lễ hội đình làng Cao Quang xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên đã khép lại, nhưng vẫn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách thập phương, hứa hẹn một năm mới với nhiều niềm vui mới, thành công mới. Tin tưởng rằng, ai đã được trảy hội làng Cao Quang sẽ hiểu rõ hơn những nét độc đáo về đất và người nơi đây, thêm vững niềm tin xây dựng cuộc sống mới ngày càng tươi đẹp./.

Thúy Chinh