Cập nhật: 23/12/2018 15:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trên hành trình phát triển vươn tới sự hoàn thiện, người Việt đã sáng tạo tạo nên những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng to lớn. Trong đó, nhà ở không chỉ thuần túy giúp con người sinh tồn, mà còn được cha ông ta nâng tầm thành những giá trị văn hóa độc đáo. Những giá trị ấy không chỉ làm cho cuộc sống ngày càng văn minh, mà còn góp phần “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.  

Thị trấn Hương Canh (còn có tên tục gọi là ba làng Cánh), thuộc huyện Bình Xuyên, là một trong những ngôi làng cổ nhất tỉnh Vĩnh Phúc, hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm có giá trị về khoa học và đời sống thực tiễn và mãi là niềm tự hào của người dân địa phương.

Cũng giống nhiều ngôi nhà truyền thống của người Việt ở vùng trung du - đồng bằng Bắc Bộ, những ngôi nhà cổ ở Hương Canh tuy độc lập nhưng vẫn hòa đồng cùng xóm làng xung quanh. Những bức tường ngăn cách giữa các nhà với nhau, nhưng cũng luôn mở ra hòa nhập với cộng đồng làng. Trong khuân viên của mỗi ngôi nhà truyền thống đều được chủ nhà tạo dựng hệ thống các công trình là: hàng rào, cổng, nhà chính, nhà bếp, vườn cây, khu chuồng trại chăn nuôi. Trong khuôn viên ấy, trước đây, người Hương Canh tạo cho mình cuộc sống theo lối “tự túc, tự cấp”. Ở Hương Canh bây giờ, đất chật, người đông nên ao - vườn bị thu hẹp tối đa. Tuy nhiên, chủ nhân của mỗi ngôi nhà nơi đây vẫn nỗ lực giữ lại ít nhiều nét truyền thống khi tạo dựng không gian sống cho gia đình mình.

Kết cấu ngôi nhà truyền thống ở Hương Canh theo lối đăng đối. Ba gian nhà ngoài thông liền nhau. Gian chính được xem là nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà: đặt bàn thờ cúng tổ tiên, cũng thường là nơi tiếp khách nên được chú trọng bài trí công phu (Tuy nhiên, ở Hương Canh, có nhiều nhà tiếp khách ở gian cạnh). Bàn thờ là nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà, nên tùy theo gia cảnh, mà được gia chủ thành kính trang trí, bày biện, bao gồm ảnh thờ gia tiên, cuốn thư đại tự, hoành phi, câu đối… Mỗi gia đình, tùy theo truyền thống gia phong hay mong muốn của mình mà chọn câu - chữ để thờ phụng, trang trí xung quanh bàn thờ.

Ở Hương Canh, ba gian nhà ngoài, đặc biệt là gian giữa các ngôi nhà truyền thống đều được trang trí công phu với các mô típ hoa văn trạm trổ trên câu đầu, xà gồ, kẻ, bẩy, vì kèo rất khéo léo và tinh xảo, đó đều là những mảng chạm khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Bằng kỹ thuật chạm khắc gỗ điêu luyện, người thợ dân gian đã lưu truyền những nét đẹp của thiên nhiên vào trong ngôi nhà truyền thống.

Trong những ngôi nhà truyền thống này thường có tam, tứ đại đồng đường chung sống. Ngôi nhà vì thế không chỉ là tài sản chung, mà còn là mái ấm bình yên của các thành viên trong gia đình. Bởi lẽ đó, mà nhiều ngôi nhà, qua năm tháng vẫn được các thế hệ gìn giữ, tôn tạo. Điều này cho thấy sự bền vững của ngôi nhà Việt truyền thống.

Ngôi nhà truyền thống ở Hương Canh được kết cấu với khung sườn - vì kèo bằng gỗ, tre, gắn kết với nhau rất chắc chắn bởi hệ thống các loại mộng mà không cần dùng đinh, và hệ thống vì kèo gỗ, đòn tay, rui mè, cột kê. Ngôi nhà lớn hay nhỏ và hiện vật làm nhà tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình.

Khi dựng nhà, người Hương Canh căn cứ vào điều kiện địa lý nên thường làm nhà theo kết cấu nâng sàn. Với kết cấu này khi cần thiết, cả một khung nhà truyền thống chỉ cần thoát ly các bước tường nhà là có thể nâng ngôi nhà cao thêm, hoặc di chuyển nhà từ vị trí này sang vị trí khác một cách thuận tiện mà không cần tháo rời từng bộ phận. Điều này cho thấy sự tinh khéo, tài hoa của người thợ dân gian Việt Nam trong nghệ thuật kiến trúc và xây dựng.

Phần mái các ngôi nhà truyền thống ở Hương Canh đều được thiết kế  với độ dốc nghiêng khoảng 45 độ - để dễ dàng thoát nước, vừa tạo mỹ quan hài hòa. Vật liệu lợp mái thường là ngói âm dương.

Ra - vào ngôi nhà ngôi nhà dân gian, phải bước qua các khuân cửa kiểu “bức bàn”. Hệ thống cửa nhà truyền thống được gắn kết với nhau rất chắc chắn bởi gá mộng, bao gồm bộ cánh cửa, bậc cửa, then cửa, tất cả đều được là bằng gỗ. Các ngôi nhà truyền thống ở Hương Canh thường có ít cửa, chỉ bao gồm: ba cửa ra vào ba gian chính, hai cửa nách, thông vào hai gian dĩ, hầu như không mở cửa sổ phía sau. Để thông gió tự nhiên tạo độ thoáng khí trong nhà, người Hương Canh bố trí các ô gió phía trước trên cửa ra vào. Có nhà trang trí các ô gió bằng con tiện, hoa văn khá cầu kỳ, nhưng cũng có nhà để song trơn đơn giản. Tất cả đều góp phần tạo nên vẻ đẹp hài hòa, tinh tế cho ngôi nhà.

Với vẻ đẹp giản dị, mộc mạc, khiêm nhường nhưng những ngôi nhà truyền thống ở Hương Canh luôn tiềm ẩn nét tinh hoa của một dân tộc. Không chỉ là chốn đi - về, trú nắng mưa, những ngôi nhà truyền thống ở Hương Canh còn là chứng nhân hàng trăm năm của vùng đất và con người nơi đây, là nơi lưu giữ mọi ký ức, kỷ niệm của dòng tộc, gia đình, đời người. Vì thế, những ngôi nhà truyền thống này chính là biểu trưng cho tâm hồn và sức sống mãnh liệt của người dân Việt Nam.

Những ngôi nhà truyền thống ở Hương Canh đã vượt thời gian không chỉ để che chở cho bao thế hệ người khôn lớn, trưởng thành, mà còn là hình ảnh rất cụ thể của cội nguồn, quê hương trong trái tim mỗi người dân Hương Canh. Vì thế, dưới những mái nhà trầm mặc màu thời gian này, cuộc sống luôn ấm áp yêu thương, xẻ chia trong tình thân ruột thịt và tình làng nghĩa xóm bền lâu.

Là một trong những địa phương hiện còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà truyền thống tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc, nên trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên vẫn luôn gìn giữ, phát huy những nét văn hóa cổ truyền của quê hương, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại của cuộc sống mới, nhưng cũng không làm mất đi nét văn hóa cổ truyền của cha ông để lại.

Trải bao thăng trầm của lịch sử cho đến ngày nay, những ngôi nhà truyền thống ở Hương Canh chính là những tài sản quý báu của nền văn hóa Việt Nam, là những giọt mật tinh túy được chắt lọc ra từ khối óc thông minh, đôi bàn tay tài giỏi, khéo léo của cha ông đã bao đời truyền lại cho hậu thế. Tất cả, đều rất cần sự nâng niu, gìn giữ, phát huy của chúng ta, để những giá trị ấy trường tồn cùng cuộc sống.

Thúy Chinh

Tệp đính kèm