Cập nhật: 30/11/2018 21:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Con đường mang tên hai vị nữ anh hùng - người thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa sớm nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chống xâm lược, nô dịch. Đó là Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng với con đường được mang tên: Đường Hai Bà Trưng - Thành phố Vĩnh Yên.

Sử cũ còn ghi: Hai Bà Trưng là dòng dõi lạc tướng (người đứng đầu bộ lạc) thời Hùng Vương ở Mê Linh (một miền đất rộng nằm giữa Ba Vì và Tam Đảo - nay thuộc thành phố Hà Nội). Ngọc phả những nơi có đền thờ chính của Hai Bà đều chép: Hai Bà là chị em sinh đôi và sinh vào ngày mồng một tháng tám năm Giáp Tuất (năm 14 sau công nguyên) là con gái bà Man Thiện - một phụ nữ đảm lược, quê ở vùng Ba Vì. Các sử cũ cũng chép rằng: Trưng Trắc có chồng là Thi Sách, dòng dõi lạc tướng Chu Diên (miền đất dọc sông Đáy). Đây là kết quả của một cuộc "hôn nhân chính trị", nhân đấy mà liên kết được lực lượng của hai miền đất quan trọng nhất của non sông thời bấy giờ.

Nhận thức rõ mối nguy hiểm của lực lượng liên kết ấy, Thái thú Tô Định (quan cai trị nhà Hán) ở Giao Chỉ đã tìm cách giết hại Thi Sách. Mùa Xuân năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên) tại vùng đất Mê Linh, Hai Bà Trưng đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa: “Một xin rửa sạch nước thù; Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kêu oan ức lòng chồng; Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này”.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã liên kết được sức mạnh toàn dân nên chỉ trong một thời gian ngắn đã quét sạch giặc thù ra khỏi bờ cõi và được tôn làm vua. Ba năm sau, nhà Hán sai danh tướng Mã Viện cầm đầu sang xâm lược, Hai Bà Trưng đã dũng cảm đương đầu cùng quân giặc, tổ chức kháng chiến đánh những trận lớn và cuối cùng đã hy sinh anh dũng vào mùa hè năm Quý Mão (năm 43 sau công nguyên), để lại tấm gương oanh liệt nghìn thu. Hiện nay, ở nhiều địa phương trong cả nước đều có đền thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của Hai Bà.

Đường Hai Bà Trưng có độ dài khoảng 1km, đi qua địa bàn phường  Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên. Điểm đầu được tính từ ngã 5 vòng xuyến, nơi giao cắt giữa quốc lộ 2 - khu vực Nhà thi đấu Vĩnh Phúc với các tuyến đường đi Trường Chính trị tỉnh, Khu Nam Đầm Vạc và đường Mê Linh. Điểm cuối là khu vực ngã 4, nơi giao cắt với đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Chí Thanh.

Đường Hai Bà Trưng là một trong số những con đường thơ mộng và đẹp nhất thành phố Vĩnh Yên hiện nay - một tuyến đường nội đô quan trọng để du khách cũng như người dân đến với Vĩnh Phúc tận hưởng không gian, bầu không khí trong lành đặc trưng của vùng đồng bằng Sông Hồng.

Với du khách khi đến với Vĩnh Phúc thì không ai là không biết con đường Hai Bà Trưng nhất là với những người con Vĩnh Phúc, bởi đây là con đường khá đặc biệt: nơi tập trung các cơ quan của tỉnh Vĩnh Phúc đang làm việc như: UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở LĐTB & XH, Sở Xây dựng, Sở VH, TT&DL, Sở Tài nguyên & Môi trường, Bảo hiểm XH, Báo Vĩnh Phúc...mà không có hộ gia đình sinh sống.

Và điều đặc biệt hơn nữa đó là du khách đến đây để thêm một lần nữa nhắc nhớ đến công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ đã cống hiến, hi sinh cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Tọa lạc trên con đường mang tên 2 vị nữ anh hùng - Hai Bà Trưng, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một trong số những công trình văn hóa trọng điểm của Vĩnh Phúc, đó chính là Nhà hát tỉnh.

Đây là công trình lớn trọng điểm của tỉnh, với tổng diện tích 23.000 m2, trong đó diện tích xây dựng gần 8.000m2, gồm 3 tầng nổi, 1 tầng ngầm; 3 phòng khán giả (1000 chỗ, 500 chỗ và 250 chỗ ngồi) và khu vực liên hoàn đa năng. Nhà hát tỉnh với công năng là nơi biểu diễn nghệ thuật cho các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế tại Vĩnh Phúc, trong đó có thể biểu diễn được các loại hình nghệ thuật như sân khấu. Ngoài ra Nhà hát còn là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo của tỉnh, khu vực và quốc tế có quy mô lớn; Khu vực đại sảnh còn phục vụ nhu cầu tổ chức mít tinh, diễu binh, diễu hành cho các sự kiện chính trị của tỉnh.

Tiếp theo của cuộc hành trình trên con đường mang tên Hai Bà Trưng, du khách có thể chiêm ngưỡng vườn cây thế cổ truyền được xếp vào tốp lớn nhất khu vực phía bắc. Đó vườn sinh vật cảnh thuộc quần thể Nhà hàng Phiến Hoan.

Nếu nói vườn Bonsai DONA là vườn Bonsai lớn nhất miền Nam thì khu vườn cây cảnh của ông chủ nhà hàng này là vườn cây cảnh lớn nhất khu vực phía Bắc của doanh nhân Nguyễn Văn Phiến - một người con quê lúa Thái Bình mê cây cảnh đến kỳ lạ. Hiện trong vườn của người doanh nhân mê cây cảnh này còn lưu giữ hàng nghìn cây rất quý hiếm có giá trị về nghệ thuật, thời gian cũng như là kinh tế...Khu vườn đã góp phần làm cho con đường mang tên Hai Bà Trưng càng trở nên ý nghĩa và không thể nào quên trong lòng của du khách xa gần khi có dịp đi qua con đường này để đến với Vĩnh Phúc - vùng “đất địa linh nhân kiệt”.

Gần 2.000 năm lịch sử kể từ ngày diễn ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã đi qua nhưng hôm nay đây khi có dịp đến với thành phố Vĩnh Yên, được dạo bước trên con đường mang tên Hai Bà Trưng, chắc hẳn các thế hệ người con đất Việt hôm nay và mãi mãi về sau sẽ không bao giờ quên và luôn khắc ghi công lao to lớn của Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

 

Vũ Anh

 
Tệp đính kèm