Cập nhật: 23/03/2019 10:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có một cây gạo đâu đó quanh làng, vươn mình chứng kiến những đổi thay của làng và lưu dấu một miền ký ức đẹp đã đi qua. Vậy nên, cho dù sống nơi phố phường tấp nập hay làm ăn nơi đất khách quê người thì hình ảnh những bông hoa gạo tháng 3 vẫn luôn khiến những người con xa xứ nhói lòng khi nhớ về quê hương yêu dấu.

Bao năm thân thuộc gạo ơi! 

Hồn quê thắp lửa cháy trời tháng ba 

Nửa đời lưu lạc phương xa. 

Nhớ mùa hoa gạo lòng ta bồi hồi… 

Tháng 3, khi đất trời chuyển mình chuẩn bị chào đón mùa hè cũng là lúc hoa gạo bung mình khoe sắc thắm. Hoa gạo còn gọi là hoa Pơ-lang hay hoa Mộc Miên… Những cái tên chỉ thoáng nghe qua thôi cũng đủ khơi gợi trong mỗi chúng ta nhớ đến những áng văn thơ, những lời hát say đắm lòng người.


Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có một cây gạo, sừng sững giữa đồng hoặc đâu đó quanh làng, hay nép mình nơi cổng làng. Theo thời gian, những cây Gạo hàng trăm năm tuổi đã chứng kiến sự thăng trầm của từng ngôi làng qua nhiều thế kỷ và gắn bó với tuổi thơ của biết bao người…

Người xưa coi hoa gạo như một phần của đời sống nông thôn, báo hiệu thời điểm để tiến hành một số hoạt động nhà nông. Thành ngữ có câu:

Bao giờ đom đóm bay ra

Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng.

Loài hoa cũng được dùng để dự báo thời tiết theo kinh nghiệm dân gian khi tiết trời chuẩn bị sang hè:

Bao giờ cho đến tháng ba

Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn.

Cây gạo không chỉ là một loài hoa đẹp với sắc đỏ thắm mà còn rất tốt cho sức khỏe, được biết đến như một vị thuốc chữa được nhiều bệnh từ hoa, vỏ cây và rễ cây.

Nói về hoa gạo người ta không thể quên về tuổi thơ rong chơi dưới đường làng, mái đình, bờ sông của vùng quê Bắc Bộ. Hình ảnh những em bé nhặt những bông hoa gạo, vui đùa dưới gốc gạo luôn làm say mê lòng người và mỗi ai cũng không khỏi thổn thức khi tuổi thơ của mình đã có một thời như thế.

Cuối tháng ba đầu tháng tư là thời điểm giao mùa của trời đất. Cây cỏ, thiên nhiên cũng khoác lên mình tấm áo mới. Mỗi mùa có một loại hoa riêng, mang vẻ đẹp riêng để người ta thêm yêu thêm nhớ. Tháng ba cũng là mùa của hoa gạo, hoa gạo còn có những cái tên thật mỹ miều như hoa Pơ-lang, hoa Mộc Miên cái tên chỉ thoáng nghe qua thôi cũng đủ để chúng ta tưởng tượng đến những áng văn thơ, những lời hát làm say đắm, gần gũi với lòng người.

Chính vì vậy mà mỗi mùa hoa gạo nở, người ta lại nhớ về tuổi thơ nơi tình yêu, tình bạn, tình người được hun đúc và xây đắp. Vì thế mà những câu chuyện tình yêu nam, nữ đã viết lên thành những câu thơ hay như trong chuyện cổ tích:

Lửa hạ nhen hồng lên dáng hoa

Đường thôn thắm đỏ sắc quê nhà

Em nhắn: đang mùa hoa gạo nở

Anh về ôn chuyện Mộc Miên xưa!

Tháng Ba (âm lịch), khi những vạt nắng đã trở nên vàng ươm, sóng sánh rót xuống vạn vật, cũng là lúc ở mỗi làng quê, những bông hoa gạo bắt đầu nở đỏ. Hoa như thắp lửa, đỏ rực cả một vùng trời.

Thuở nhỏ, ai không một lần bị dọa dẫm “thần cây đa, ma cây gạo” nhưng rồi tuổi thơ hồn nhiên vô tư, đâu lại vào đấy, vẫn ngày ngày quấn quýt bên cây gạo. Để rồi khi lớn lên, bươn trải nơi xứ người, trong những nỗi nhớ hướng về đất mẹ, không thể thiếu nỗi nhớ hoa gạo, mỗi khi nhìn thấy cây gạo với những bông hoa đỏ rực thì trong lòng lại cảm thấy nao nao nhớ về những miền quê với khúc sông, mái đình, cổng làng. Hình ảnh cây gạo và tuổi thơ được chơi dưới gốc gạo luôn làm những người con xa quê hương không khỏi nhớ về nơi chôn rau cắt rốn.

Không giống như những loài cây khác, cây gạo sinh ra đã mang trên mình đầy gai, những chiếc gai hình thoi bao kín thân cây xếp thật đều và càng lên cao phía ngọn gai càng nhọn. Cũng thật lạ là chỉ khi vươn cao đến một khoảng không nhất định, gạo mới trổ cành vươn ra xung quanh, tựa như những cánh tay gân guốc vươn ra bốn phía. Cả mùa đông, thân gạo già gầy trơ khấc, trên mình không một chiếc lá màu xanh. Thế rồi khi mùa xuân về kéo theo mưa bụi lay phay nhè nhẹ và cái nắng vàng óng, gạo như bừng tỉnh dậy dồn sức sống lên đầu cành với cơ man chồi xanh và nụ. Hình như cả quãng thời gian khắc nghiệt mùa đông, gạo âm thầm vươn rễ, chắt chiu dòng nhựa sống để đến mùa xuân dành trọn cho hoa và lộc biếc. Nụ hoa gạo tròn xinh, chum chúm, xếp sin sít liền nhau nhiều hơn cả lá. Nụ tiếp dòng nhựa sống lớn dần lớn dần rồi đến tháng Ba, hoa bung nở đỏ rực cả một khoảng trời.

Mùa Gạo nở, tán cây như một lẵng hoa khổng lồ. Những bông Gạo chẳng khác gì chiếc đèn lồng thắm đỏ đung đưa nhè nhẹ trong gió. Thân Gạo xù xì, cao vời vợi, mấy người ôm mới hết, nhưng trái lại với sự thô nhám đó là những cánh hoa mềm mại, mịn màng như nhung, mang một màu đỏ chói, xao xuyến đến nao lòng…

Những bông hoa gạo đỏ rực đẹp như chính những trò chơi rất đỗi trẻ con mà không ít người trong chúng ta đã đi qua. Cùng nhau nắm tay hò hát xung quanh gốc cây gạo ấy, để rồi đứa nào cũng có những nụ cười hạnh phúc, có khi còn lăn ra ngủ mỗi lúc buổi trưa hè trong những làn gió mát nhẹ. Những bông hoa nhắc về tuổi thơ xa lắc, nhắc về những năm tháng còn lên năm lên ba, chạy chơi ở bến nước đầu làng. Hoa gạo rơi từng cánh thắm xuống con đường lát gạch, một vài cơn gió bay ngang thổi vài cánh hoa lả tả trong gió chiều.

Không mềm mại như hoa sưa, không thơm như hoa bưởi hoặc hoa loa kèn mà hoa gạo mang vẻ đẹp thô mộc, giản dị. Hoa gạo nở cũng là báo hiệu một mùa hè sắp tới và cũng là hình ảnh gắn liền với những con người sinh ra ở làng quê Bắc Bộ.

Hoa gạo nở gợi về mùa thi, thường khiến những cô cậu học trò thổn thức. Nhưng ở đây, những người đứng trên bục giảng cũng không giấu được nỗi niềm rưng rưng khi hoa gạo nở bừng, báo hiệu một mùa thi đang về.

Cây gạo vẫn sừng sững đầu làng, lặng lẽ nhưng không đơn độc. Không biết cây có từ bao giờ, chỉ biết tuổi thơ của bà, của mẹ, của con gặp nhau ở những mùa gạo nở, nhặt lấy, nâng niu, giữ gìn... cây đứng đó, lặng im chứng kiến những đổi thay của một vùng quê nghèo, bình lặng.

Nhà cửa vẫn mọc lên san sát, hiện đại nhưng cây vẫn giữ vẻ cổ kính, trầm tư. Đôi khi muốn tìm một chút tĩnh lặng giữa những ồn ào, những xô bồ của cuộc sống, chạy ùa về gốc gạo, ngửa mặt lên nhìn những cánh tay khẳng khiu đâm vào trời xanh, lòng bình yên đến lạ...

Với người đi xa về thì cây càng trở nên đặc biệt. Cây vẫn sừng sững lại trỗi dậy một cảm giác yên ổn, là niềm vui về làng mình, về nhà mình vội vã trào dâng... một cảm giác bâng khuâng, không kìm nén để được ôm trọn miền ký ức trong lòng. Cây đã trở nên gần gũi, thân thương như thế.

Cây đứng đó như một biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, kiêu hãnh, thách thức với thời gian, với nắng mưa, bão bùng... len lỏi vào đất để vững vàng giữa mưa gió nghiệt ngã, lặng lẽ nhưng bền bỉ. Cây xù xì xấu xí nhưng lại bừng lên ở mỗi nụ hoa. Cành khẳng khiu nhưng lan tỏa mạnh mẽ, ôm trọn lấy một vùng trời, vùng đất, ôm trọn những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ. Có lẽ vì thế khi yếu lòng lại tìm về đây để học lấy cái đức mạnh mẽ nhưng rất đỗi khiêm nhường ấy.

Hoa gạo trên cây nở đỏ trời

Lòng ta cũng nở với hoa tươi

Như cô áo đỏ tình vừa nở

Trên cặp môi son với nụ cười

Thúy Chinh

Tệp đính kèm