Cập nhật: 31/05/2023 09:19:00
Xem cỡ chữ

Bên cạnh những nỗ lực vì trẻ em, vì tương lai của đất nước thì còn không ít những tác động tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của trẻ. Trong đó, phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. 

Theo kết quả khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em thường sử dụng từ 5-7 tiếng/ngày vào mạng xã hội. Con số đáng báo động cho thấy với tần suất như vậy sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức, suy nghĩ và hành động của trẻ.

Bất cứ thời gian nào rảnh rỗi, những trang mạng xã hội như facebook, tiktok trở thành hình thức giải trí quen thuộc của các bạn nhỏ hiện nay. Bên cạnh những thông tin tích cực, các nội dung xấu độc trên mạng xã hội cũng mọc lên như nấm, gây ra nhiều hệ lụy khi trẻ vô tình tiếp nhận.

Hiện nay, trên mạng xã hội, có những video chưa tới một phút nhưng tồn tại vô số nội dung rác được đăng tải với mục đích câu like câu view. Cùng với đó là không ít những video, những hình ảnh phản cảm, trào lưu thử thách nguy hiểm hay bạo lực học đường gây sai lệch về định hướng. Nó xuất hiện trên tất cả các nền tảng mạng xã hội mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể lướt phải nếu không có sự kiểm soát của bố mẹ, điều này vô tình kéo theo những hệ luỵ trong tương lai. Và trên thực tế, đã có không ít những tác động tiêu cực về tâm lý, cảm xúc, thậm chí là tới tính mạng của trẻ.

Không thể phủ nhận những giá trị tích cực từ mạng xã hội, hỗ trợ các em rất nhiều trong học tập, giải trí và kết nối với mọi người. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần đồng hành với học sinh và con em mình trong việc sử dụng mạng xã hội, giúp trẻ có nhận thức đúng đắn, sử dụng nó một cách thiết thực cho học tập và cuộc sống. Với sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội sẽ hình thành mạng lưới vững chắc, an toàn giúp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng một cách hiệu quả./.

Phương Anh