Cập nhật: 23/11/2018 08:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Là một trong những nơi cư trú đầu tiên của người Việt cổ ở tỉnh Vĩnh Phúc, xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô không chỉ có bề dày lịch sử - văn hóa, mà còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa ẩm thực khá độc đáo mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam.

Là vùng đất “bán sơn địa”, với địa hình đồi gò xen kẽ bãi bồi là do xã Đôn Nhân một phần tiếp giáp với dòng Sông Lô oai hùng, thơ mộng được phù sa bồi đắp, lắng đọng  tạo nên. Cư dân Sông Lô qua bao thế hệ “một nắng hai sương” cần mẫn gắn bó với ruộng đồng, cấy cày, chăm bón tạo nên những sản vật thơm ngon. Có lẽ, điều kiện tự nhiên này đã trở thành mạch nguồn sáng tạo, để người dân bản xứ làm nên một món ăn dân dã mà dẻo ngon có tiếng đi vào tâm thức bao thế hệ người dân nơi đây: “Bánh nẳng chợ Tràng, Bánh gạo rang Tiên Lữ”.


Bánh nẳng chợ Tràng chính là tên gọi của loại bánh nẳng ở xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Có nhiều nơi còn gọi bánh nẳng là bánh tro hay bánh gio bởi một thành phần không thể thiếu để làm nên màu vị điều đặc biệt của loại bánh này chính là nước tro của các loại cây trong vùng. Trong đó có nhiều loại cây quen thuộc dễ kiếm như: cây chã vừng, như xoan, như bưởi nhưng cũng có những loại cây người dân không trồng được nên phải vào rừng mới có như cây sở, cây trúc rừng... tất cả những cây lá này phải đốt tươi để lấy tro. Việc làm này tưởng như đơn giản nhưng lại chính là công đoạn cầu kỳ nhất của quá trình làm bánh. Theo kinh nghiệm của người dân trong xã, khi đốt cây để lấy tro tuyệt đối không được để gặp nước mưa, nếu gặp mưa thì mẻ tro ấy sẽ bị hỏng vì nước mưa làm nước tro bị chuyển màu đen và đổi vị, tro đốt từ cây lá tươi phải ủ trong một ngày, một đêm để cho từ từ nhuyễn ra mới có thể mang đi sàng lọc.

Tro sau khi được làm sạch và mịn sẽ được ngâm để tạo thành nước, điều đặc biệt là tro phải được ngâm trong nước sôi từ một tiếng rưỡi đến 2 tiếng, nước tro sẽ chuyển từ màu xám đục sang màu cánh gián thì sẽ được lọc đi, lọc lại từ ba đến bốn lần cho đến khi sạch trong không còn váng cặn mới được dùng làm bánh. Như vậy, để có được một mẻ nước tro đạt yêu cầu người làm bánh phải được thực hiện các công đoạn này trong 2 ngày. 

Để làm nên món bánh ngon dẻo của bánh nẳng phần lớn là ở gạo, bởi vậy phải chọn gạo nếp loại ngon. Trước khi làm bánh gạo phải được đãi kỹ và phơi khô, sau khi sơ chế, gạo được ngâm bằng nước tro đã được lọc trước đó, thời gian ngâm từ 8 đến 10 giờ. Quá trình ngâm nước, hạt gạo sẽ dần chuyển sang màu vàng và thẩm thấu mùi hương của các loại cây đã được đốt thành .

Lá gói bánh được các bà, các mẹ Đôn Nhân thường dùng lá dong, lá chít để gói. Không khó để tìm loại cây này, bởi đây là loại cây rất dễ trồng nên hầu như nhà nào ở đây cũng trồng vài bụi ở góc vườn. Để làm bánh lá dong được luộc kỹ trong nhiều giờ rồi mới được vớt ra và rửa sạch để ráo nước. 

Khác với những chiếc bánh nhỏ và dẹt ở những vùng miền khác trong và ngoài tỉnh, cách gói bánh nẳng ở Đôn Nhân lại gói dài gần hết chiều dài của lá chít, mỗi chiếc bánh khi gói xong có hình dáng giống với bánh chưng tày. Việc gói như vậy sẽ đem lại độ dẻo dai nhiều hơn cho bánh.

Bí quyết để giữ được vị đậm và màu sắc của bánh còn nằm ở khâu luộc bánh. Không luộc bánh cùng với nước lã mà cho bánh vào khi nước đã sôi, sau đó bánh sẽ được đun sôi từ 5 đến 6 giờ để đạt độ chín rền. Khi bánh luộc đủ thời gian sẽ được vớt ra và treo lên cho ráo nước.

Bánh chín sẽ có màu vàng sậm, ánh bóng có độ dẻo cùng với hương thơm dịu nhẹ và khi ăn ngon nhất là chấm kèm với mật mía tạo nên hương vị ngọt mát thơm thảo như tấm lòng mến khách của người dân nơi đây.

Đối với những người con xa xứ, bánh nẳng đã trở thành nỗi nhớ thương tần tảo chắt chiu của bà, của mẹ - những người đã biết biến hạt ngọc của đất, hương thơm của trời trở thành hương vị đặc trưng quê hương. Tình cảm chân chất mà thắm đượm tình quê đã đưa món bánh vượt ra ngoài không gian làng nhà đi đến với mọi miền Tổ quốc.

Tin tưởng rằng: bánh nẳng Đôn Nhân, huyện Sông Lô không chỉ là một món ăn ngon, thắm đượm nghĩa tình của mỗi mỗi người con huyện Sông Lô anh hùng, mà sẽ trở thành đặc sản mang thương hiệu của tỉnh Vĩnh Phúc trong công cuộc “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Thúy Chinh

Tệp đính kèm