Cập nhật: 20/04/2020 16:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới với những diễn biến phức tạp không chỉ đe dọa sức khỏe và tính mạng mà còn tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Người nông dân khu vực phía Bắc đang phải trải qua giai đoạn khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản do mình trồng được.  

Không phải được mùa mất giá, cũng không phải thương lái ép giá mà do chính dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ nông sản của người nông dân khu vực phía Bắc gặp những trở ngại nhất định. Nếu như mọi năm, thời điểm này, việc giao thương nông sản diễn ra sôi động. Thế nhưng năm nay, dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc giao thương bị gián đoạn, nông sản xuất khẩu của nước ta, nhất là khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh có diễn biến phức tạp ở Trung Quốc - vốn là thị trường xuất khẩu chủ yếu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Hơn nữa cũng do dịch khiến việc lưu thông nông sản cũng chịu ảnh hưởng. Tại chợ Đồng Tâm, Thành phố Vĩnh Yên, sức tiêu thụ hoa quả của người dân giảm từ 30-40% so với trước đây.

Nhằm góp phần tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam và cùng chung tay chia sẻ khó khăn với nông dân các địa phương bị ảnh hưởng, không chỉ có các tổ chức mà nhiều cá nhân kinh doanh hoa quả cũng đồng hành và hưởng ứng kêu gọi người dân cùng nhau giải cứu nông sản Việt. Đặc biệt sau Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, cùng các giải pháp của các cấp, các ngành, thị trường nông sản đã được giải phóng. Tại khu vực thành phố Vĩnh Yên, có rất nhiều mặt hàng nông sản ở khu vực phía Bắc đã có mặt. Chị Vũ Thị Tuyết (Tỉnh Lào Cai) đã vượt quãng đường hơn 200km về tỉnh Vĩnh Phúc để bán những trái dứa mới thu hoạch của người dân bản Lầu, thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai với mức giá từ 5.000 - 6.000 đồng/1kg. Chỉ trong vòng 3 ngày, chị Vũ Thị Tuyết đã giúp nông dân tiêu thụ được 1 tấn dứa.

Sau Chỉ  thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, có rất nhiều mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành đã có mặt trên thị trường tỉnh. Không chỉ mua được hoa quả ngon, người tiêu dùng trong tỉnh còn vui mừng vì đã góp 1 phần tiêu thụ nông sản cho người nông dân.

Những việc làm thực tế và ý nghĩa đã cho thấy trách nhiệm của cộng đồng, giúp việc tiêu thụ những sản phẩm nông sản Việt trở nên dễ dàng hơn, góp phần hỗ trợ giảm bớt phần nào gánh nặng cho bà con nông dân các vùng chuyên canh vượt qua giai đoạn khó khăn./.

Mai Anh

Tệp đính kèm