Cập nhật: 19/02/2024 21:18:00
Xem cỡ chữ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giữ gìn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Đối với nghệ thuật tuồng, Bác không chỉ khen mà còn chỉ dẫn những người làm nghệ thuật tuồng không được giậm chân tại chỗ, phải biết cải biên, sáng tạo, cách tân cách nói và truyền tải được nội dung mới bổ sung được cho nhau để các thế hệ sau tiếp nối. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, Câu lạc bộ Tuồng cổ xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương đã và đang giữ gìn, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.

Từ xa xưa người dân xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương đã từng tự hào là địa phương duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc có Câu lạc bộ Tuồng cổ. Vào những 60 của thế kỷ trước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang vào giai đoạn khốc liệt nhất, phong trào văn hoá, văn nghệ trên địa bà xã Hoàng Đan khá phát triển. Trong một dịp về lưu diễn tại địa phương Đoàn Tuồng Bắc Trung ương (nay là nhà hát Tuồng Việt Nam) đã đặt vấn đề và mong muốn thành lập đoàn Tuồng ở địa phương. Năm 1960 câu lạc bộ Tuồng Hoàng Đan ra đời, không chỉ biểu diễn phục vụ bà con địa phương câu lạc bộ còn nhận lời đi lưu diễn khắp các khu vực phía bắc để phục vụ bà con nhân dân và các chiến sĩ, thương - bệnh binh. Theo dòng chảy của thời gian cùng với sự biến đổi của xã hội cũng như sự du nhập của văn hoá phương tây vào Việt Nam, nghệ thuật Tuồng dần mai một và không còn nhiều khán giả như trước, câu lạc bộ Tuồng Hoàng Đan cũng vì thế mà từng bước tan rã. Tuy nhiên, các thành viên của câu lạc bộ chưa bao giờ hết yêu Tuồng, mỗi khi có dịp gặp nhau họ lại ngân nga những khúc hát trong các trích đoạn Tuồng từng đi biểu diễn. Với mong muốn khôi phục lại nghệ thuật Tuồng truyền thống, được sự quan tâm giúp đỡ của nhà hát Tuồng Việt Nam cũng như của các cấp uỷ, chính quyền địa phương đến tháng 10 năm 2016 Câu lạc bộ Tuồng xã Hoàng Đan chính thức được ra mắt với hạt nhân là thành viên câu lạc bộ Tuồng thôn Hóc và những người yêu Tuồng trên địa bàn xã. Từ khi được tái lập chỉ với 12 hội viên, đến nay Câu lạc bộ Tuồng xã Hoàng Đan đã có trên 20 hội viên, đặc biệt có những hội viên tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động của câu lạc bộ.

Thứ 7 hàng tuần, các thành viên trong Câu lạc bộ Tuồng xã Hoàng Đan lại tập trung ở khoảng sân rộng trước căn nhà cổ 5 gian của bà Nguyễn Thị Liên, thôn Hóc để tập luyện. Khi tiếng kèn, tiếng trống vang lên cũng là lúc các nghệ sĩ “không chuyên” của CLB tuồng Hoàng Đan vào vai các nhân vật trong trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” (vở tuồng Trưng Nữ Vương).

Dù là những nông dân “chân lấm tay bùn”, nhưng khi lên sân khấu, họ đã trở thành những diễn viên thực thụ khi lột tả đầy đủ vẻ oai hùng, bi tráng của những nữ tướng khởi binh đánh giặc trả nợ nước, thù nhà. Sự kết hợp linh hoạt giữa biểu cảm gương mặt, giọng hát và từng động tác tay, chân… giúp các nhân vật thể hiện thành công vai diễn. Đối với diễn viên tuồng, biểu cảm từ đôi mắt là chìa khóa để các diễn viên lột tả thần thái, cảm xúc của nhân vật. Cùng với sự kết hợp giữa các yếu tố ca, múa, nhạc và các trò diễn xướng dân gian tạo nên các trích đoạn tuồng mang đặc trưng riêng của nghệ thuật tuồng cổ.

Sự ra đời của Câu lạc bộ Tuồng xã Hoàng Đan được đông đảo Nhân dân trong xã hưởng ứng, đón nhận, vào các dịp như: Giao lưu văn nghệ, Đại hội Đảng bộ xã, ngày đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội người cao tuổi xã… Câu lạc bộ đều đến biểu diễn phục vụ Nhân dân, các trích đoạn biểu diễn được khán giả đánh giá cao. Với sự cống hiến miệt mài cho nghệ thuật tuồng cổ, CLB Tuồng xã Hoàng Đan đã đem về nhiều giải thưởng, thành tích cho tập thể và cá nhân. Tại Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018, trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” của CLB đã được Bộ VH-TT&DL trao tặng Huy chương Vàng, cá nhân bà Nguyễn Thị Liên được tặng Huy chương Bạc với vai diễn nữ tướng Trưng Trắc.

Không chỉ quan tâm phát triển nghệ thuật Tuồng cổ đến gần hơn với quần chúng nhân dân trong và ngoài xã, các thành viên Câu lạc bộ Tuồng Hoàng Đan còn chú trọng công tác bồi dưỡng, hướng dẫn tuồng cho các thế hệ trẻ yêu thích môn nghệ thuật tuồng truyền thống. Hiện nay, ngoài giờ lên lớp các cháu còn được các thành viên Câu lạc bộ Tuồng Hoàng Đan hướng dẫn cách hát, điệu bộ, động tác, biểu diễn đạo cụ… Các cháu mong muốn lớn lên sẽ được đi biểu diễn tuồng ở nhiều nơi để giới thiệu, quảng bá tuồng cổ đến với đông đảo khán giả trong và ngoài nước, để nghệ thuật tuồng được lưu truyền mãi đến muôn đời sau.

Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Tam Dương nói chung và xã Hoàng Đan nói riêng đặc biệt quan tâm. Nghệ thuật Tuồng là một di sản văn hoá có chiều dài lịch sử, Tuồng đã kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ độc đáo đáng trân trọng, chính vì vậy cấp ủy, chính quyền địa phương đã lựa chọn CLB Tuồng cổ xây dựng mô hình điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Hy vọng trong thời gian tới, Câu lạc bộ Tuồng xã Hoàng Đan sẽ tiếp tục mang những trích đoạn Tuồng đến bà con Nhân dân trong huyện, trong tỉnh thậm chí ngoài tỉnh để góp phần quan trọng vào việc gìn giữ nghệ thuật Tuồng ở tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, cả nước nói chung, để nghệ thuật Tuồng truyền thống được lưu giữ và phát huy tới các thế hệ mai sau.

Thúy Hơn